Kinh tế xã hội
Cần tạo môi trường, cơ chế thu hút nhân lực ngành du lịch
(Congannghean.vn)-Trong số những hạn chế của ngành du lịch Nghệ An như chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, công tác xúc tiến quảng bá còn mang tính nhỏ lẻ… thì tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực về cả số lượng lẫn chất lượng là vấn đề đáng lưu tâm, đặc biệt là vào thời điểm khởi động mùa du lịch.
Cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho nhân lực làm việc trong ngành du lịch |
Thời điểm mùa du lịch biển đang cận kề, cùng với việc xúc tiến quảng bá, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác chuẩn bị về nguồn nhân lực đang được TX Cửa Lò khẩn trương thực hiện. Do nguồn nhân lực không đáp ứng đủ về số lượng, nên giải pháp đưa ra là phải tuyển chọn cả những người chưa qua đào tạo, sau đó tổ chức tập huấn để đảm bảo hiệu quả phục vụ. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương có ngành du lịch phát triển.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, mặc dù giai đoạn 2013 - 2018, số lượng lao động trong ngành tăng bình quân 7 - 8%/năm; số lao động trẻ được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ ngày càng tăng và chiếm tỉ trọng lớn (gần 50%), song nguồn nhân lực làm việc trong ngành du lịch tại Nghệ An vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu và yếu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chủ yếu tập trung ở đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khách sạn nhỏ và vừa, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp và đội ngũ giỏi ngoại ngữ, nghiệp vụ giỏi, tay nghề cao về kinh doanh khách sạn, nhà hàng, kinh doanh khu, điểm du lịch.
Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở đào tạo về du lịch, trong đó có 3 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp; hàng năm cung cấp hàng trăm sinh viên cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tiếp nhận đội ngũ sinh viên này, các doanh nghiệp, đơn vị du lịch phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu.
Tại buổi làm việc với Sở Du lịch, khi bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đã có ý kiến chỉ đạo: “Sở Du lịch cần nghiên cứu, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường chuyên nghiệp trên địa bàn mở thêm mã ngành đào tạo về du lịch (từ trung cấp trở lên), đảm bảo tính chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Trước thực tế nguồn nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch, giải pháp về lâu dài là các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo sự đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh và đảm bảo tiêu chuẩn của khu vực, thế giới. Trong khâu đào tạo, cần chú trọng kỹ năng thực hành cũng như kỹ năng xử lý công việc chuyên môn. Cùng với đó, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa “đầu vào” với “đầu ra” trong công tác đào tạo; đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch...
Về giải pháp trước mắt, cần đầu tư kinh phí để tập huấn nâng cao tay nghề, trình độ cho nguồn nhân lực; trong đó chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý khách sạn, nhà hàng và công ty lữ hành; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên… đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia và thông lệ quốc tế.
Thùy Dương