Kinh tế xã hội
Cần sớm giải quyết 'bài toán' ô nhiễm tại các làng nghề
06:33, 20/04/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến tại các làng nghề chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh và trở thành vấn đề đáng báo động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong nhân dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ chính các sản phẩm được sản xuất tại đây.
Ô nhiễm từ các làng nghề chế biến hải sản
Làng nghề Phú Lợi thuộc phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai lâu nay được biết đến với việc chế biến sản phẩm cá cơm, tuy nhiên nhiều hộ dân lại không quan tâm, chú trọng đến vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại đây, các lò hấp sấy cá hoạt động liên tục nhưng toàn bộ nước thải đều không được xử lý theo đúng quy trình mà xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, làng nghề nằm ngay cạnh sông Mai Giang, nước thải sau khi chế biến được xả xuống sông nên vào mùa nắng nóng, người dân sống xung quanh khu vực này phải chịu mùi hôi thối nồng nặc. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều hộ còn mang sản phẩm cá cơm phơi bên cạnh tuyến Tỉnh lộ 537B với số lượng tập kết có ngày lên đến hàng chục tấn khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng.
Các làng nghề chế biến hải sản đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay |
Chị Nguyễn Thị Nhung trú tại phường Quỳnh Dị cho biết, gia đình chị cùng nhiều hộ dân sinh sống ở đây đã lâu năm và phải “gồng mình” gánh ô nhiễm. Suốt ngày chị phải đóng cửa kín mít nhưng cũng không thể ngăn được mùi hôi thối nồng nặc của nước thải chế biến cá bốc lên.
Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng báo động, nhiều người dân đã kiến nghị lên cấp ủy, chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, theo lời của 1 cán bộ phường Quỳnh Dị thì mặc dù đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở nhưng các cơ sở chế biến cá cơm trên địa bàn vẫn không tuân thủ các quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cùng với Quỳnh Lưu, Diễn Châu là địa bàn phát triển mạnh về nghề khai thác, đánh bắt hải sản, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trung bình mỗi năm, ngư dân đánh bắt khoảng 32.000 tấn hải sản các loại với tổng giá trị hơn 500 tỉ đồng, chiếm 7,2% giá trị kinh tế của toàn huyện. Đi đôi với nghề đánh bắt, khai thác thì nghề chế biến hải sản cũng phát triển mạnh, trong đó điển hình có làng nghề chế biến hải sản ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Được biết, làng nghề này được thành lập năm 2008 với diện tích 2,16 ha và phát triển theo tính tự phát trong nhân dân nên vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường cũng không được quan tâm chú trọng, gây nên tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của những người dân xung quanh, khiến họ hết sức bức xúc.
Ông Hồ Quang Hiếu trú tại xã Diễn Ngọc cho biết, nghề chế biến hải sản mang lại nguồn thu nhập, vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, các hộ cần đặt vấn đề vệ sinh lên hàng đầu. Điều này không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành mà còn đảm bảo cho chính sản phẩm do mình làm ra.
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Số liệu từ Liên minh Hợp tác xã Nghệ An cho thấy, năm 2018 có 7 làng nghề mới được công nhận, nâng tổng số làng nghề toàn tỉnh lên 152 làng nghề. Trong đó có 134 làng nghề phát triển ổn định và bền vững, 6 làng nghề hoạt động yếu kém và 13 làng nghề dừng hoạt động. Hiện có 69/152 làng nghề có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, nguyên nhân và cũng chính là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề là do sản xuất chủ yếu với quy mô hộ gia đình, vừa là nhà ở, vừa là cơ sở sản xuất chính.
Một số công đoạn khác như phơi sấy, tập kết nguyên liệu lại tận dụng các mặt bằng công như cánh đồng, đường đi, ven chợ... Với quy mô sản xuất nhỏ nên khó phát triển vì mặt bằng sản xuất chật hẹp xen kẽ với khu vực sinh hoạt, không thể huy động tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật, đầu tư xử lý môi trường. Trong khi nếu sản xuất càng phát triển thì nguy cơ lấn chiếm khu vực sinh hoạt, phát thải ô nhiễm tới khu dân cư càng lớn dẫn đến chất lượng khu vực ngày càng xấu đi.
Bên cạnh đó, các nghề đều có từ lâu đời, sản xuất với công nghệ thủ công, chỉ có một số hộ gia đình nhỏ lẻ trong các làng nghề có đầu tư máy móc, thiết bị hỗ trợ quá trình sản xuất. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống, sản xuất theo kiểu gia truyền, giữ bí mật cho dòng họ, không cải tiến công nghệ sản xuất, sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại; không đầu tư phương tiện, dụng cụ bảo hộ, không đảm bảo điều kiện lao động càng làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất cho bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng môi trường hầu như chưa có và tại một số làng nghề nếu có thì cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.
`Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn ra trong nhiều năm qua tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để khắc phục thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và cần thời gian bởi hiện tại chưa có đủ nguồn kinh phí để mua sắm các thiết bị máy móc. Vì thế, giải pháp trước mắt là Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề đảm bảo môi trường tại các làng nghề; đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn.
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, liên quan. Trong đó, cần ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ban hành chính sách hỗ trợ làng nghề gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất và cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển, đảm bảo đến năm 2020 có 80% làng nghề được khuyến khích phát triển đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngọc Anh