Kinh tế xã hội

Nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở

15:05, 24/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tuyến y tế cơ sở (YTCS) là nơi chăm sóc ban đầu khi người dân ốm đau, bệnh tật. Một trong những kết quả quan trọng của ngành y tế tỉnh nhà trong những năm qua là từng bước củng cố và phát triển mạng lưới YTCS, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế trên địa bàn.

Công tác y tế dự phòng được tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện hiệu quả
Công tác y tế dự phòng được tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện hiệu quả

Tuyến YTCS hiện nay bao gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, mạng lưới YTCS ngày càng có vai trò quan trọng trong thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - những khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn.

Liên quan đến nhân lực tuyến YTCS có trình độ chuyên môn cũng được chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2018, có 90% số trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh có bác sĩ công tác; trong đó có 369 bác sĩ thuộc biên chế của trạm y tế. Nghệ An có 435/480 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2012 - 2020; có 59% số trạm y tế xã thực hiện được 60 - 80% danh mục kỹ thuật thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản; có 479/480  xã đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH....

Cũng trong năm qua, số lượt khám bệnh tại tuyến xã là 1.926.352 lượt, chiếm 34,6% số lượt khám bệnh chung của toàn tỉnh. Công tác y tế dự phòng đã được tuyến YTCS trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện tốt, do đó không để xảy ra dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh những kết quả nói trên, tuyến YTCS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại nhất định. Trên thực tế, việc được công nhận đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được còn thêm phần gian nan. Hầu hết các trạm y tế sau khi được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia không còn duy trì được các tiêu chí, nội dung hoạt động như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị không được duy tu, bảo dưỡng; chất lượng nhân lực nhìn chung chưa đảm bảo; hoạt động của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa thường xuyên.

Bên cạnh đó, các nội dung chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người dân còn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu; đơn cử như những tồn tại liên quan đến chế độ thường trực cấp cứu, việc triển khai thực hiện các danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc, việc theo dõi, quản lý bệnh không lây nhiễm, ca bệnh lây nhiễm... Những hạn chế, bất cập kể trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt tuyến trong khám, chữa bệnh.

Liên quan đến việc nâng cao chất lượng tuyến YTCS, Nghệ An đang triển khai Đề án “Triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực YTCS tại 6 Trạm y tế xã thuộc huyện Nam Đàn, giai đoạn 2018 - 2020”. Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, sang năm 2019, Nghệ An cần triển khai thêm ít nhất 65 mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu trên, tập trung cho YTCS được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết, Quyết định của Trung ương, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra để xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới.

Trong đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu với việc triển khai tốt mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 Trạm Y tế xã, huyện Nam Đàn, tiến tới nhân rộng trong toàn tỉnh... Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho YTCS, đặc biệt là các địa bàn miền núi; chú trọng xây dựng dự toán ngân sách hàng năm đảm bảo 30% cho hệ y tế dự phòng.

Để YTCS từ chỗ chỉ là "tuyến dưới" trở thành "trung tâm" và giữ vai trò là "người gác cổng", những giải pháp hướng tới đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ đang được ngành y tế đẩy mạnh thực hiện sẽ góp phần đảm bảo tất cả mọi người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; qua đó, củng cố niềm tin để thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến YTCS của nhân dân.

B.Châu

Các tin khác