Kinh tế xã hội
Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019
16:25, 01/01/2019 (GMT+7)
Hôm nay (01/01/2019), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) lên 15 - 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 - 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên 5 - 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 - 3 bậc. Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 - 10 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc năm 2020.
Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối
Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của Nghị quyết là tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Trong đó, phân công các bộ đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF; Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF; Bộ Công Thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF; Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của UN.
Ngoài ra, Chính phủ cũng phân công cụ thể các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm: Căn cứ Nghị quyết này xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; ban hành trong Quý I năm 2019; xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo; ban hành trong Quý I năm 2019. Tài liệu hướng dẫn phải được công khai trên Trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan.
Bên cạnh đó, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
Đồng thời, chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh thông tin để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác; tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số được phân công, định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết.
Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh
Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo mà Nghị quyết đưa ra là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt; công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019; theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IVnăm 2019.
Tiếp tục cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2019, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hoá tại thị trường nội địa; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; rà soát, bãi bỏ, chấm dứt việc quy định thủ tục hành chính trong công văn hướng dẫn. Hoàn thành trong quý I năm 2019.
Bên cạnh đó, công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm (kèm theo mã HS) trong quý I năm 2019. Trước tháng 6 năm 2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này.
Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa.
Nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
Bộ Tài chính chủ trì theo dõi tình hình và đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bộ Thông tin và Truyền thông trước quý II năm 2019, tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G; đảm bảo cho các doanh nghiệp viễn thông được thi tuyển, đấu giá, cấp phép băng tần theo đúng quy định của pháp luật; trong quý I năm 2019, chủ trì, hoàn thành xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử (đối với cấp bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (đối với cấp tỉnh).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nước trước quý III năm 2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. Phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.
Bộ Tài chính trước quý III năm 2019 rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ được giao tại Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính (mã ID); kết nối, chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp được giao quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất,… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trước tháng 12 năm 2019; kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính... Theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở các bộ, ngành, địa phương.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tất cả các công ty điện lực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng các giải pháp điện tử, di động; trong năm 2019 tăng gấp đôi số người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ: Ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; hoàn thành trước tháng 12/2019. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hoàn thành trước tháng 12 năm 2019.
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo; tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong tháng 3 năm 2019; Chiến lược phát triển quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tháng 9 năm 2019.
Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất; xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ, toàn diện đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi và ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tổ chức các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm khoa học.
Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc , Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc…
Nguồn: Chí Kiên/Chinhphu.vn