Kinh tế xã hội
Sai phạm trong khai thác khoáng sản
(Congannghean.vn)-Kiểm tra thực tế tại hiện trường ở các mỏ khai thác khoáng sản, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập. Mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị khắc phục, song trên thực tế vẫn tiếp tục vi phạm.
Hoạt động khai thác khoáng sản còn tồn tại nhiều bất cập |
Kiểm tra, ra sai phạm!
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 1342/QĐ-UBND của UBND tỉnh, về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 207 doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn nhiều tồn tại. Các sai phạm chủ yếu là triển khai hoạt động khai thác chưa đảm bảo công suất thiết kế; đa số các doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy xác nhận công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; còn nợ tiền thuế, phí đối với Nhà nước; không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động khai thác mỏ; tồn tại trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp…
Tại huyện Quỳ Hợp, theo ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì, vi phạm chủ yếu của các mỏ đá trên địa bàn là sai thiết kế, đá treo và mất an toàn lao động, công tác bảo vệ môi trường chưa thực hiện nghiêm túc theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Đơn cử, tại mỏ đá của Công ty CP đá Châu Á tại bản Phá Thắm, xã Châu Tiến, qua kiểm tra phát hiện có nhiều đá treo, nhiều rạn nứt có nguy cơ xảy ra tai nạn. Công tác môi trường chưa thực hiện theo đúng các nội dung trong báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt, chưa có kho lưu giữ chất thải nguy hại, còn phân loại nhiều nơi. Hay như mỏ đá của Công ty CP TM Khoáng sản Trung Hải tại xã Châu Quang, thời điểm kiểm tra phát hiện có khoảng 50 m3 đá được khai thác dưới chân núi với độ cao khoảng 40 - 50 m, có hiện tượng đá treo, đá rạn nứt, có nguy cơ sạt lở mất an toàn lao động.
Hiện tượng đá treo, hàm ếch, đá rạn nứt có nguy cơ xảy ra tai nạn cũng xảy ra tương tự tại mỏ đá của Công ty CP Hà Cường tại bản Phá Thắm, xã Châu Tiến; mỏ đá của Công ty CP Khoáng sản Nghệ An tại xã Châu Tiến; mỏ đá Thung Trên của Công ty TNHH Chính Nghĩa…
Thực tế cho thấy, trong những năm qua đã có những hệ lụy đau lòng liên quan đến sai phạm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn. Điển hình là vụ vỡ đập chứa chất thải của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh tại núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp xảy ra vào sáng 9/3/2017 khiến dòng suối Bắc bị ô nhiễm nguồn nước, vùng hạ lưu dòng nước bị nhiễm chất thải. Sau sự việc này, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 56 tổ chức khai thác khoáng sản. Qua đó, phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp có những lỗi vi phạm nên UBND tỉnh đã xử phạt với tổng số tiền 2,448 tỉ đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn đối với 7 giấy phép khai thác của 7 doanh nghiệp.
Riêng đối với 9 doanh nghiệp khai thác khoáng sản thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, qua kiểm tra đều phát hiện các tồn tại, như chưa tuân thủ những cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; bãi thải chưa đúng nội dung báo cáo tác động môi trường được duyệt; thực hiện quan trắc, giám sát môi trường không đủ tần suất; khu vực lưu trữ chất thải có quy cách chưa đúng quy định; chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành…
Còn nhiều bất cập
Ngoài ra, cũng đã có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra liên quan đến quá trình khai thác khoáng sản. Theo ông Vi Thanh Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thì, đối với các vụ tai nạn lao động do vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra, quan điểm của địa phương là xử lý nghiêm, đề nghị thu hồi mỏ nếu để xảy ra sai phạm. Cũng theo ông Tường, hiện huyện Quỳ Hợp quy hoạch 3 cụm công nghiệp và 6 khu chế biến đá tập trung. Hầu như năm nào cũng có đoàn kiểm tra nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa thể xử lý triệt để. Mặc dù tỉnh đã quy hoạch bãi tập kết chất thải rắn nhưng đến nay chưa có kinh phí nên cũng chưa triển khai được.
Đơn cử, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp là 1 trong những địa phương có 3 khu chế biến đá tập trung được quy hoạch xây dựng và hoạt động tại đây. Những ngày đầu tháng 12/2018, khi có mặt tại khu vực đồng Sòng là nơi có các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá đang hoạt động, dễ dàng nhận thấy việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân xung quanh. Một dòng suối lớn đã bị bột đá lắng xuống lấp dòng chảy. Ông Trần Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp cho biết, từ năm 2015 đến nay, cụm công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động, khi phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về môi trường đã phối hợp với các ngành lập biên bản, thậm chí phối hợp với ngành điện lực cắt điện, song vẫn còn một số đơn vị để xảy ra tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Lục cho biết thêm, thực hiện Kế hoạch số 348/KH-UBND ngày 1/6/2018 của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài nguyên - Môi trường đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra thực tế tại 172 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đang hoạt động tại địa bàn 12 huyện, gồm: Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, đã phát hiện những sai phạm. Cụ thể, sau hơn 1 tháng thanh tra, Đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính 118 doanh nghiệp, với số tiền gần 1 tỉ đồng.
Đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi, Đoàn phát hiện những vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, như không thực hiện quan trắc môi trường, không có hố thu gom rác thải, còn để chất thải như dầu mỡ xả ra ngoài môi trường. Nhiều doanh nghiệp khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép, khai thác vượt quá trữ lượng. Đối với các doanh nghiệp khai thác đá, đất sét, Đoàn phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt.
Một số mỏ khai thác vi phạm về an toàn lao động như còn có các moong đá treo; không có biện pháp khắc phục ngay những nguy cơ có thể gây tai nạn lao động; không huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ về an toàn lao động cho người lao động; chưa thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn lao động trong khi làm việc. Thậm chí, nhiều đơn vị không cắm mốc an toàn tại các vị trí mỏ có nguy cơ cao, nhiều đơn vị chưa thực hiện việc kiểm định trước khi sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Thiên Thảo