(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, Nghệ An đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, tỉ lệ giải ngân đạt khá, nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ.
Diện mạo nhiều địa phương đổi thay nhờ nâng cao chất lượng công tác xây dựng cơ bản |
Ngay từ đầu năm, Nghệ An đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo “mặt bằng sạch” cho nhà đầu tư.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số dự án thu hút đầu tư đang được tập trung đôn đốc triển khai thực hiện trong Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An như: VSIP Nghệ An, Hemaraj (Thái Lan), các Dự án của Tập đoàn Vingroup, Masan, FLC... Tính đến tháng 10/2018, đã có 16 công ty ký cam kết đầu tư tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.200 tỉ đồng (hơn 55 triệu USD) trên tổng diện tích đất hơn 64 ha. Công ty TNHH VSIP Nghệ An đã thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất là 18,94 ha. Trong đó, 8 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn ban đầu đăng ký là 307,9 tỉ đồng; 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 38,2 triệu USD. Dự kiến đến cuối 2018, sẽ có thêm 4 công ty khác đi vào hoạt động, tạo ra hơn 4,500 việc làm.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện đã quy hoạch 50 cụm công nghiệp (CCN), trong đó 39 CCN đã triển khai thực hiện các bước quy hoạch đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, hiện có 10 CCN lấp đầy diện tích; 3 cụm công nghiệp gồm: Thọ Sơn I, Thọ Sơn II và Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp) mặc dù chưa có dự án đầu tư hạ tầng nhưng đã có 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng tập trung huy động nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương. Công tác đầu tư xây dựng được quan tâm chỉ đạo, đốc thúc thực hiện: Các cấp, ngành tích cực tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018; tổ chức các đoàn kiểm tra, thúc đẩy tiến độ giải ngân; hàng quý tổ chức giao ban xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Các đơn vị tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành thông xe Cầu Hiếu II (TX Thái Hòa), đưa vào hoạt động bến xe phía Bắc TP Vinh; tiếp tục thực hiện các Dự án nâng cấp đô thị Vinh (WB), Dự án Lý Thường Kiệt, Hồ chứa nước Bản Mồng, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1), Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền đoạn Km0 - Km7, đường nối từ QL1A - huyện Nghĩa Đàn - TX Thái Hòa; tiến hành các thủ tục của Dự án Đường ven biển, đường gom phía Đông thuộc Dự án Cầu vượt tại nút giao thông tuyến đường QL48E với đường sắt Bắc Nam và QL1, nâng cấp mở rộng QL15 đoạn Km320+700 - Km324+500,... Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 73,32% tổng kế hoạch vốn (bình quân cả nước là 56,24%).
Công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới và tăng cường theo quy định của pháp luật, góp phần tích cực nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tỉnh đã tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, nhất là công trình nhà cao tầng và công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; quản lý cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng; phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy hoạch, bám sát nhu cầu sử dụng trong tỉnh, ổn định thị trường các vật liệu xây dựng chủ yếu, tiếp tục đẩy mạnh phát triển vật liệu xây không nung. Thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hàng quý kịp thời, sát thực tế; quản lý tốt giá xây dựng và giá vật liệu xây dựng. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 ước đạt 70.000 tỉ đồng, tăng 12,9% so với năm 2017.
Lãnh đạo tỉnh, các ngành đã chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để bổ sung các dự án vào đầu tư từ nguồn ngân sách dự phòng của Trung ương đã được Chính phủ chấp thuận và trình Quốc hội như: Đường ven biển, Khu di tích Xô Viết Nghệ tĩnh, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; xúc tiến các Dự án ODA đạt một số kết quả: Đã ký hiệp định đầu tư hạ tầng 4 tỉnh Miền Trung (1.112 tỉ đồng); hiện đang đàm phán 2 tiểu dự án tham gia Dự án "Phát triển hạ tầng du lịch, hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn II" do ADB tài trợ (232 tỉ đồng)...
Trong thời gian tới, chính quyền các cấp, ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt các dự án được bố trí từ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh. Các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý dự án tiến hành rà soát khối lượng công việc, khả năng hoàn thành kế hoạch vốn được giao, nhu cầu vốn của các công trình để đề xuất phương án điều chuyển, bổ sung hợp lý theo quy định. Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc đồng thuận, tham gia giám sát các chương trình, dự án trên địa bàn, qua đó làm tăng tính minh bạch, công khai, tránh lãng phí cũng như đảm bảo hiệu quả đầu tư của Nhà nước.