Kinh tế xã hội

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu?

08:30, 12/11/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục được đánh là một trong những miếng bánh hấp dẫn và có nhiều dư địa phát triển mạnh trong tương lai.
 
Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại có tiềm lực kinh tế mạnh và sự phát triển của công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chơi chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ có nhiều sự thay đổi bất ngờ.
 
Sân chơi ngày càng hấp dẫn
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống người dân đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều trong đó dân số trẻ trí thức và xu hướng sống tự lập chiếm tỷ trọng lớn là những yếu tốc tích cực tác động đến sự phát triển nhanh chóng của thị trường bán lẻ Việt Nam.
 
Với chính sách mở cửa cho ngành bán lẻ từ năm 2009, thị trường Việt Nam trở thành môi trường màu mỡ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, các đại gia bán lẻ lớn trên thế giới như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan), Eurocham... đều đã và đang đầu tư, khai thác tại Việt Nam.
​Mô hình đại siêu thị vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại
​Mô hình đại siêu thị vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại
 
Trong đó, BigC đã có 35 siêu thị, MM Mega Market cũng đã có 19 siêu thị. Hai tên tuổi mới là Lotte và Aeon cũng sở hữu 13 và 4 siêu thị đang hoạt động tại Việt Nam. Mô hình chủ yếu của các đại gia bán lẻ nước ngoài là đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Alibaba, We Chat, Tencent, …cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam.
 
Tại hội thảo “xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018-2020” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 7-11, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam cho rằng khối ngoại đang tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và đại siêu thị. Trong đó, mô hình các đại siêu thị tích hợp không chỉ mua sắm mà còn cả không gian vui chơi giải trí đang duy trì tốc độ phát triển nhanh và thu hút đông khách hàng.
 
Riêng ở mô hình siêu thị và siêu thị mini, các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế so với khối ngoại. Kết quả khảo sát của Kantar Worldpaner Việt Nam cho thấy liên tiếp từ 2016, 2017 đến tháng 9/2018, Co.opmart vẫn là siêu thị được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng nhất. Cùng với đó, doanh số bán hàng trung bình mỗi năm cũng gần gấp đôi so với nhà bán lẻ có thứ hạng kế cận.
 
Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Saigon Co.op cũng thừa nhận về siêu thị thì Saigon Co.op đang chiếm lĩnh với 98% thị phần. Với cửa hàng tiện lợi, đơn vị này cũng đang từng bước hiện diện bằng các thương hiệu như Co.op Smile, Cheer. Riêng mô hình đại siêu thị hiện vẫn đang là sân chơi của các tập đoàn nước ngoài do các nhà bán lẻ trong nước không có nhiều tiềm lực về vốn.
Các chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng
Các chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng
Bà Lê Thị Thùy Trang - Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen cho rằng tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn rất lớn. Hiện nay, bán lẻ truyền thống tuy chiếm 74% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%/năm. Trong khi, các kênh bán lẻ hiện đại hiện chỉ mới chiếm 26% thị phần nhưng tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ lên đến 11,8%/năm.
 
“Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu và thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại nhảy vào. Do đó các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị tinh thần để cạnh tranh với những tay chơi mới”, đại diện Nielson khuyến cáo.
 
Trong báo cáo “Tiêu điểm thị trường bán lẻ cuối năm 2018” vừa công bố, bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP.HCM cho biết sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể, với sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu trong nước lẫn quốc tế. Tại TP.HCM hiện đã có hơn 1.000 địa điểm với các thương hiệu như Family Mart, 7-Eleven, Circle K, B’mart, Vinmart…
 
Đáng chú ý, sự phát triển này vẫn chưa dừng lại. Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam, còn 7-Eleven (Nhật Bản) cũng sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027)...
 
Thị trường bán lẻ thay đổi chóng mặt
 
Bà Võ Thị Khánh Trang cho rằng ngành bán lẻ tại nước ta đang trải qua thời khắc thú vị khi quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ đã ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng.
 
“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sang tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh. Tất cả những sự thay đổi, tiến hóa này đều hướng đến người tiêu dùng”, bà Trang cho biết.
Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi thói quen mua sắm
Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi thói quen mua sắm
Tương tự, ông Jason Moy – Giám đốc điều hành của công ty Boston Consulting Group (BCG) Singapore cho rằng bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều thay đổi rất nhanh. Do đó, nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online. Đây là xu hướng chung giúp nhanh chóng tiếp thị đến cho khách họ những cái họ muốn, làm cho những trải nghiệm dễ dàng hơn và thuận tiện hơn.
 
Ngoài ra, người tiêu dùng không chỉ mua sắm một cách đơn thuần, mà còn có nhu cầu trải nghiệm, giải trí… Do đó, các doanh nghiệp cũng cần có những phương án phù hợp để gia tăng sự trải nghiệm của khách hàng cả trên kênh online và kênh offline.
 
Trong khi đó, bà Lê Thị Thùy Trang cho rằng những xu hướng định hình tương lai bán lẻ sẽ định hình theo những đặc điểm chính như cầu về sự tiện lợi, nhu cầu cao cấp hóa nâng tầm đời sống, người tiêu dùng kết nối. Đây là đối tượng mục tiêu khách hàng lớn của nhà sản xuất và bán lẻ trong tương lai. Cuộc cách mạng sức khỏe và thế hệ người tiêu dùng tương lai là thế hệ gen Z (nhóm người trẻ).
 
Cùng với đó, xu hướng chung của thị trường bán lẻ Việt nam là nhiều dịch vụ khách hàng sẽ được ảo hóa bằng công nghệ IT cho phép nhà kinh doanh biết khách hàng mình là ai, muốn gì trước khi phục vụ họ. Bằng cách phân tích dữ liệu lớn để người kinh doanh biết trước nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn. Doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, làm chủ kênh mua sắm mạng.
Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển theo mô hình HTX bán lẻ
 
Ngày 7-11, ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết năm 2019 sẽ đánh dấu mốc son Saigon Co.op tròn 30 tuổi. Định hướng phát triển của Saigon Co.op trong thời gian tới vẫn tiếp tục hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
 
Hiện tại, Saigon Co.op có 100 siêu thị trên tổng cộng hơn 600 điểm bán với ước tính có hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày. Bên cạnh những mô hình hiện tại, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng tại hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam và các vùng lân cận trong năm 2020.
 
Trong định hướng 5 – 10 năm tới, Saigon Co.op sẽ áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, đồng thời sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, chiến lược sản phẩm hữu cơ….

Nguồn: Thiên Long/Báo CA TP.Hồ Chí Minh

Các tin khác