Kinh tế xã hội
DN toàn cầu vẫn thiếu phòng bị với rủi ro an ninh mạng
08:34, 10/11/2018 (GMT+7)
Khảo sát Digital Trust Insights (tạm dịch “Niềm tin Kỹ thuật số”) của Bộ phận Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật tại PwC công bố mới đây đã chỉ ra rằng, mặc dù việc phòng, chống các mối đe dọa an ninh mạng là rất quan trọng song các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ chính họ và khách hàng.
Khảo sát Niềm tin Kỹ thuật số là phiên bản mới của Khảo sát Thực trạng An toàn Thông tin Toàn cầu® (GSISS) mà PwC đã thực hiện 20 năm qua. Khảo sát này đã trở thành một nguồn thông tin tin cậy giúp các doanh nghiệp thành công trong môi trường rủi ro an ninh mạng đầy biến động. Cuộc khảo sát năm nay đã đưa ra quan điểm của 3.000 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đa dạng đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, chỉ có khoảng 53% DN chủ động thực hiện quản trị rủi ro một cách bài bản ngay từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Chỉ một số ít công ty (23%) trong nhóm các công ty được định giá trên 100 triệu USD cho biết họ có kế hoạch điều chỉnh các biện pháp an toàn thông tin cho phù hợp với các mục tiêu kinh doanh.
Chỉ 27% các giám đốc điều hành tin rằng hội đồng quản trị nhận được đầy đủ thông tin dữ liệu về việc quản lý rủi ro bảo mật và an ninh mạng.
Chưa đến một nửa các công ty được định giá trên 100 triệu USD trên toàn cầu nói rằng họ sẵn sàng tuân thủ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), có hiệu lực kể từ tháng 5/2018.
Mặc dù 81% giám đốc điều hành cho rằng Internet vạn vật kết nối (IoT) là rất cần thiết với DN họ, nhưng chỉ có 39% tự tin rằng họ đã xây dựng đầy đủ các chốt kiểm soát để bảo đảm niềm tin kỹ thuật số khi ứng dụng IoT.
Cũng theo khảo sát của PwC, nhân lực, quy trình và công nghệ đáng tin cậy là những yếu tố quan trọng để xây dựng một thế giới kỹ thuật số an toàn. Ngoài việc giảm thiểu rủi ro, các DN cần phải tích hợp các vấn đề về an ninh mạng vào chiến lược kinh doanh của họ. DN có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách trở thành nhà cung cấp có uy tín về sự an toàn, tính bảo mật, độ tin cậy, quyền riêng tư và đạo đức dữ liệu.
Ông Sean Joyce, người đứng đầu Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật của PwC Hoa Kỳ bình luận: “Đứng trước các rủi ro an ninh mạng, các DN đang dần chuyển dịch từ việc chỉ tập trung vào bảo mật thông tin sang triển khai tổng thể quản trị rủi ro kỹ thuật số. Nghiên cứu của chúng tôi đã tìm hiểu cách mà các nhà lãnh đạo có thể đối mặt với các thách thức của tương lai. Trong một thế giới kết nối, các công ty dẫn đầu về an toàn, bảo mật, độ tin cậy, quyền riêng tư và đạo đức dữ liệu sẽ trở thành những gã khổng lồ về công nghệ trong tương lai.”
Khảo sát Niềm tin Kỹ thuật số cũng chỉ ra 10 cơ hội để DN cải thiện tình hình an ninh và bảo mật, đồng thời xây dựng niềm tin với khách hàng: Thu hút các chuyên gia về an ninh thông tin ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số; nâng cấp nhân sự và đội ngũ lãnh đạo; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ nhân sự; cải thiện khả năng truyền tải thông tin và tương tác với hội đồng quản trị; gắn kết an ninh và bảo mật với các mục tiêu kinh doanh; xây dựng niềm tin lâu dài dựa vào dữ liệu; tăng cường khả năng ứng phó của hệ thống mạng; nhận biết được các rủi ro; chủ động tuân thủ; cập nhật với sự đổi mới.
Ông Robert Trọng Trần, người đứng đầu Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật tại PwC Việt Nam nhấn mạnh: “Trước xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như chuyển đổi số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, không gian mạng của các tổ chức và DN Việt Nam đang ngày càng mở rộng, dẫn tới các nguy cơ mất an toàn an ninh mạng ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Trước tình hình đó, các DN Việt Nam cần chú trọng xây dựng chiến lược an ninh bảo mật tổng thể phù hợp, theo hướng các yêu cầu kiểm soát về an ninh mạng phải được chú ý thiết kế ngay từ những bước đầu và xuyên suốt quá trình chuyển đổi số nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và hướng tới phát triển bền vững”.
Nguồn: Ngân Hà/Chinhphu.vn