Kinh tế xã hội

Sau 5 năm, Bộ trưởng nào để lại dấu ấn cải cách?

08:23, 03/11/2018 (GMT+7)
Các chuyên gia đặt ra vấn đề trên tại hội thảo ngày 2/11 trong bối cảnh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã tiến khoảng 30 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh và có sự khác biệt lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ này so với trước đây.
TS Nguyễn Đình Cung. - Ảnh: VGP
TS Nguyễn Đình Cung. - Ảnh: VGP
Tại hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đặt vấn đề, tại sao một số chỉ số môi trường kinh doanh liên tục thăng hạng, đạt mức tương đối cao, có những chỉ số mãi mới cải cách, có chỉ số lúc thăng rất mạnh nhưng cũng có lúc xuống thấp và cá biệt có những chỉ số cứ “tụt dài”?
 
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết năm 2014, năm đầu tiên thực hiện, hầu như chỉ có Bộ Tài chính (thuế và hải quan), Tập đoàn Điện lực và TPHCM thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết.
 
Thế nhưng số lượng các bộ ngành tham gia tăng đều qua các năm và tới 2018, hầu hết các bộ đã vào cuộc dù mức độ và kết quả khác nhau, các địa phương cũng quan tâm hơn, việc triển khai Nghị quyết đạt một số kết quả rõ ràng.
 
Sau 5 năm, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.
 
Nhìn lại sau 5 năm, chỉ số khởi sự kinh doanh đã được cải thiện; cấp phép xây dựng duy trì thứ hạng tốt; tiếp cận điện năng liên tục tăng điểm, tăng bậc.
 
Đăng ký sở hữu tài sản năm 2018 lần đầu tiên có cải thiện sau 5 năm; giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có sự cải thiện nhờ việc công khai các bản án.
 
Giao dịch thương mại qua biên giới, lĩnh vực liên quan nhiều tới hoạt động kiểm tra chuyên ngành, không có nhiều sự thay đổi về điểm số, nhưng giảm bậc. Hiệu quả logistics năm 2018 của Việt Nam được cải thiện nhiều nhất trong hơn một thập niên qua.
 
Riêng giải quyết phá sản là điểm trừ của môi trường kinh doanh và hiện xếp thứ 133 thế giới.
 
“Tuy đã có sự cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số chưa đạt trung bình ASEAN 4 cả về điểm số và thứ hạng, dù khoảng cách đang được thu hẹp dần”, bà Thảo nhận xét. Bà Thảo cũng lưu ý rằng ở chỉ số cấp phép xây dựng, các quy định tương đối tốt và là cơ sở để WB đánh giá, nhưng thực tiễn ở  địa phương thì việc thực hiện không được như vậy.
 
Chính sách thuế 'vẫn thay đổi quá thường xuyên'
 
Đáng lưu ý, CIEM cho rằng việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn có nhiều nội dung cần bàn, vẫn còn nhiều điều kiện bất hợp lý, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý. Kiểm tra chuyên ngành có những đột phá như Nghị định 15 năm 2018 về an toàn thực phẩm giúp các doanh nghiệp giảm được 90% chi phí và hàng triệu ngày công, nhưng vẫn có rất ít thủ tục kết nối hoàn toàn trên cơ chế một cửa quốc gia, hầu hết các thủ tục vừa online, vừa nộp bản giấy.
 
Vẫn theo bà Thảo, chỉ mới có tiến bộ ở các chỉ số, các lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề  được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.
 
“Chỉ số nào mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ, thì đạt kết quả và cải thiện rõ nét”, bà Thảo nói và nhắc đến những chỉ số như EVN với chỉ số tiếp cận điện năng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế thay đổi cơ bản về cách thức quản lý an toàn thực phẩm... Ở địa phương, các điểm sáng là Quảng Ninh, Đồng Tháp.
 
Lý giải về việc tụt hạng năm nay của chỉ số thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Tổng cục Thuế cho biết còn nhiều cải cách của Việt Nam chưa được ghi nhận.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch Hội tư vấn thuế, chỉ ra nhiều vấn đề như vẫn có quy định chồng chéo hay chính sách hay đổi quá thường xuyên, quá nhiều, đến mức “ngay cả những người có chuyên môn cũng khó tra cứu và nắm bắt thông tin”.
 
Về chỉ số khởi sự môi trường kinh doanh Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cho biết trong số 3 cải cách của Việt Nam được ghi nhận trong năm 2018 thì có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh.
 
Các giải pháp được triển khai trong năm qua như gộp thủ tục công bố thông tin doanh nghiệp với thủ tục thành lập doanh nghiệp, cho phép đăng công bố thông tin qua mạng; giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Các giải pháp khác được WB ghi nhận như thời gian làm con dấu doanh nghiệp giảm từ 5 ngày xuống còn 1 ngày…
 
Chờ các Bộ trưởng tiên phong cải cách
 
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh Nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt so với trước, từ phương pháp hoàn toàn mới lấy đánh giá của WB để áp dụng chứ không tự đánh giá; mục tiêu cụ thể, đo lường được, giám sát được. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các bộ ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động.
 
“Các Nghị quyết đặt mục tiêu cao nhưng khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục. Không có cuộc họp nào Thủ tướng không nhắc vấn đề này. Thường xuyên có theo dõi, đánh giá khách quan, độc lập. Nhờ đó, đã có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên, chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”, Viện trưởng đánh giá.
 
Kết quả tuy chưa hài lòng nhưng đã tạo khác biệt khác hẳn so với trước, các chỉ số, thứ hạng cũng đã tăng, tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến khoảng 30 bậc, thu hẹp khoảng cách so với trung bình ASEAN 4.
 
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt trung bình ASEAN 4. Kết quả đạt được không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, các bộ ngành, địa phương.
 
“Nếu cơ quan được giao phụ trách chỉ số đó ý thức được cải cách, nếu Bộ trưởng quyết tâm thay đổi thì đạt được mục tiêu, còn nếu chần chừ, chưa quyết tâm thì kết quả chưa được như mong muốn. Ví dụ Bộ Công Thương thực sự là tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, như cắt giảm điều kiện kinh doanh gạo, gas, tạo rất nhiều cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp tư nhân”, TS Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.
 
TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, việc chỉ số tiếp cận điện năng trong 5 năm qua tăng từ vị trí 156 thế giới lên thứ 27 là “rất đáng học hỏi”, khi EVN đã tìm hiểu rất kỹ. “Nhiều người khi tiếp cận các chỉ số thì nói rằng chỉ số này không chính xác hoặc không thực chất. Đúng là chỉ số nào cũng có những khiếm khuyết không tránh khỏi, nhưng được thế giới chấp nhận, mình cần lấy đó là một công cụ để thay đổi chứ đừng phê phán nó”, ông nói.
 
Về chỉ số khởi sự kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung nhận xét rằng tuy đã tăng 19 bậc trong năm nay nhưng vẫn xếp trên 100, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, thời gian đăng ký kinh doanh đã được tính bằng giờ. “Vấn đề là chỉ số này liên quan tới nhiều cơ quan khác nhau và đều ngồi chờ cải cách. Theo tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể không đóng vai trò tiên phong trong cải cách chỉ số này, không chỉ phối hợp mà còn cần thúc đẩy các Bộ khác”, ông đưa quan điểm.
 
Vị Viện trưởng cũng nhấn mạnh tòa án có vai trò cực kỳ quan trọng trong môi trường kinh doanh với hai chỉ số là xử lý tranh chấp và giải quyết phá sản, vì kinh doanh thì không thể không có tranh chấp, vấn đề là phải giải quyết dứt điểm, công bằng, nhanh chóng, ít tốn kém để người ta làm việc khác và củng cố niềm tin của người dân trong việc đầu tư.
 
“Chúng ta cải cách rất mạnh nhưng thế giới chuyển động nhanh hơn và đang có một cuộc cạnh tranh trong cuộc đua tới thịnh vượng của các quốc gia bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Viện trưởng CIEM nêu thực tế và nhấn mạnh, còn nhiều việc phải làm để duy trì và phát huy các thành quả trong 5 năm qua.
Trong 10 chỉ số của năm 2018, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng ấn tượng nhất, từ vị trí 66 năm 2017 lên vị trí 27; chỉ số thành lập doanh nghiệp cũng tăng từ 123 lên 104.
Ở chiều ngược lại, chỉ số thuế và bảo hiểm xã hội lại tụt xuống tận vị trí 131, rơi tới 45 bậc so với năm ngoái (thứ 86/190).

Nguồn: Hà Chính/Chinhphu.vn

Các tin khác