Kinh tế xã hội

Tại xã Tân Sơn, huyện Đô Lương

Kênh dẫn nước mới làm đã phải sửa

08:25, 01/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến kênh dẫn nước N36 ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương đã không phát huy hết hiệu quả như người dân mong muốn, đầu kênh (giáp kênh N3, xã Thịnh Sơn) nước tràn bờ, cuối kênh (xóm 14, 15, xã Tân Sơn) không có nước. Mới đây, chủ đầu tư dự án đã buộc phải sửa chữa, nâng đáy kênh lên, chỗ cao nhất khoảng 25 cm để đảm bảo nguồn nước cho phía cuối kênh.

Do thiết kế không phù hợp, đầu kênh N36 thừa nước, cuối kênh lại thiếu nước sản xuất
Do thiết kế không phù hợp, đầu kênh N36 thừa nước, cuối kênh lại thiếu nước sản xuất

Theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi đưa vào sử dụng, kênh dẫn nước N36 (lấy nước từ kênh N3, giáp với xã Thịnh Sơn, thuộc hệ thống Bara Đô Lương) phục vụ tưới tiêu cho khoảng 100 ha ruộng của các xóm 4, 5, 6, 13 và 14, xã Tân Sơn đã không phát huy hiệu quả. Cụ thể, tại ruộng 2 xóm 4, 5 thì thừa nước, tràn qua mặt kênh xuống ruộng không gieo cấy được; trong khi đó, phía cuối kênh (cách nhau hơn 1 km) thuộc ruộng của người dân 2 xóm 13 và 14 lại không có nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn khẳng định sự việc người dân phản ánh là có thật. Để giải quyết tình trạng trên, khi kênh tràn nước, xã Tân Sơn đã cho đắp bờ trên mương N36 để nước không bị tràn, đảm bảo nước chảy về xuôi phục vụ tưới cho 2 xóm 13 và 14. Cũng theo lời ông Tân, trước khi nâng cấp hệ thống kênh N36, hệ thống mương cũ vẫn phát huy hiệu quả, đảm bảo đủ nước cho người dân canh tác. Khi được hỏi, lúc khảo sát thiết kế thi công hệ thống mương nói trên, chính quyền địa phương có được tham gia góp ý, đề xuất hay không thì Chủ tịch UBND xã Tân Sơn khẳng định, chính quyền địa phương không được tham gia quá trình khảo sát, thiết kế dự án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng xã Tân Sơn mà ở một số xã khác cũng có những bất cập tương tự. Ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương cho biết, hệ thống kênh JICA qua xã này có kênh N4, N43 và Đồng Rậm. Trong đó, kênh N43 thiết kế quá nhỏ so với diện tích cần tưới. Theo ông Thu, trước đây hệ thống mương đất cũ phục vụ cả việc tưới và tiêu, nhưng kênh mới chỉ phục vụ tưới và quá nhỏ so với diện tích cần tưới. Do đó, xã Xuân Sơn đã phải cho khơi lại kênh đất chạy song song một bên mới đáp ứng kịp thời vụ và đủ nước tưới.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại 1 địa phương khác. Vào tháng 7/2018, người dân xã Long Thành, huyện Yên Thành cũng phản ánh, khoảng 160 ha đất nông nghiệp của xã thiếu nước sản xuất, trong khi đó phía đầu kênh N6 thì nước chảy lênh láng tràn mặt kênh. Cụ thể, tuyến kênh N6 dài khoảng 6 km, đi qua 4 xã của huyện Yên Thành gồm: Bắc Thành, Trung Thành, Xuân Thành và Long Thành, trước khi nâng cấp sửa chữa, dòng chảy đủ nước tưới cho 4 xã. Lòng kênh trước rộng 3 - 4 m, đến nay khi cải tạo, sửa chữa đã bị bóp lại còn 1,2 m, phía cuối kênh chỉ còn khoảng 70 cm. Các cống tưới đặt không hợp lý, khiến 2 xã Xuân Thành và Long Thành, đặc biệt là xã Long Thành có 6 xóm dùng nước từ kênh N6 không đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Qua ghi nhận thực tế, chính quyền các địa phương cho rằng, quá trình khảo sát thiết kế thi công dự án họ đều không được tham gia đóng góp ý kiến, do đó đã xảy ra nhiều vấn đề bất hợp lý khi thi công, công trình không phát huy được hiểu quả cao nhất.

Trao đổi về vấn đề tràn nước tại xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, ông Nguyễn Đình Thảo, Trưởng ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước đây, kênh đất có lòng kênh rộng, nay kênh bê tông thiết kế mới nên lòng kênh hẹp hơn (60 cm), tuy nhiên cống lấy nước tại kênh N3 vẫn để cống cũ, do đó khi lấy nước thì do cống cũ vẫn rộng nên nước tràn kênh đoạn đầu. Về phản ánh cuối kênh N36 không có nước, ông Thảo khẳng định, do ở đầu kênh mở nước quá nhiều, người dân không nhường nhịn nhau nên cuối mương không có nước. Ông Thảo cho biết, sau khi có phản ánh, đích thân ông đã đến hiện trường, mở nước và đóng các cống đầu nguồn thì nước vẫn chảy tràn về cuối kênh.

Theo ông Thảo, với hệ thống kênh bê tông mới, việc tưới tiêu phải tiết kiệm nước, do đó các địa phương cần thay đổi kế hoạch sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước tưới tới ruộng. Ngoài ra, việc thiếu nước ở một số khu vực, ông Thảo cho rằng, có thể do người dân đã khai báo không trung thực diện tích ruộng trước khi khảo sát nên dẫn đến thiếu nước tưới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (gọi tắt là Dự án JICA 2) có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn JICA là 4.390 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2013. Dự án nhằm đảm bảo tưới 27.656 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho 900.000 nhân khẩu tại các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, tại một số địa phương đã phát sinh một số vấn đề cần phải khắc phục sớm.

V. Thành

Các tin khác