Tổng cục Thuế vừa tổ chức họp báo thông tin về các quy định hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Việc áp dụng hóa đơn điện tử được đánh giá là giúp doanh nghiệp rút ngắn các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí.
Họp báo thông tin về các quy định hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP |
Theo quy định, Nghị định số 119 quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (Nghị định số 119) có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.
Tuy nhiên để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hoá đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Tổng cục Thuế cho biết Nghị định số 119 có quy định thời hạn 24 tháng (từ ngày 1/11/2018 đến ngày 1/11/2020) để các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất và con người nhằm áp dụng HĐĐT.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành HĐĐT không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế trước ngày 1/11/2018 thì được tiếp tục sử dụng HĐĐT đang sử dụng kể từ ngày 1/11/2018.
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 1/11/2018 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31/10/2020 và vẫn phải thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng HĐĐT có mã. Nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy theo các hình thức đặt in, tự in thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT). Đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng phiếu thu tiền thì tiếp tục sử dụng phiếu thu tiền và chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT (hoặc phiếu thu tiền điện tử) theo lộ trình của Bộ Tài chính.
Nghị định số 119 quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định…
Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Nghị định số 119 quy định thời hạn chuyển đổi hoàn thành trước ngày 1/11/2020 là để người nộp thuế có hơn 24 tháng chuẩn bị về điều kiện vật chất và con người được tập huấn làm quen với HĐĐT. Các hộ kinh doanh nhỏ chỉ đủ nuôi sống gia đình mà khách hàng không có yêu cầu hóa đơn như bán quà sáng… sẽ vẫn nộp thuế khoán, không bắt buộc phải sử dụng HĐĐT.
Giải đáp về lo ngại của doanh nghiệp khi có trường hợp hàng hoá lưu thông trên đường ở vùng sâu vùng xa, không thể truy cập dữ liệu điện tử do không có mạng internet 3G, 4G, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết Bộ Tài chính ban hành quy chế tra cứu sử dụng thông tin với một số đơn vị liên quan bằng nhiều hình thức chứ không chỉ qua internet.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thuế cho biết Nghị định số 119 cũng góp phần giúp cơ quan quản lý khuyến khích hộ cá nhân kinh doanh lên doanh nghiệp.
.