Kinh tế xã hội

Đề xuất kinh phí hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

08:13, 16/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dự thảo nêu rõ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách); nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục – đào tạo; Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
 
Dự thảo cũng đề xuất nội dung và mức chi. Đối với chi cho các hoạt động thông tin, truyền thông: Chi tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên trong toàn quốc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
 
Cơ quan tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chi hỗ trợ cho các đội tham dự sự kiện ngày hội khởi nghiệp. Cụ thể, chi hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là thành viên các đội tham dự sự kiện ngày hội khởi nghiệp: Hỗ trợ tiền mua vé tầu, xe theo mức giá quy định của nhà nước và các doanh nghiệp vận tải theo lộ trình, chặng đi. Trường hợp phải di chuyển bằng máy bay, hỗ trợ tiền mua vé máy bay theo mức giá của các hãng hàng không nội địa đối với dịch vụ hàng không giá rẻ.
 
Về hỗ trợ tiền ăn, tiền nghỉ theo định mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC, số lượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ chi phí: hỗ trợ 50% tổng số thành viên của mỗi đội/đoàn tham gia sự kiện theo quy định của cơ quan tổ chức sự kiện, nhưng không quá 15 người/đội.
 
Chi hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng (điện, nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ); chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của việc tham gia sự kiện ngày hội khởi nghiệp (truyền thông, công tác phí, khen thưởng, trang trí, các chi phí liên quan khác): Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/đơn vị/lần tham gia đối với sự kiện tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối đa 15 triệu đồng/đơn vị/lần tham gia đối với sự kiện tổ chức tại các địa phương khác.
 
Chi cho các hoạt động hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp
 
Theo dự thảo, chi biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng dưới dạng giáo trình, tài liệu giảng dạy trong nhà trường; tài liệu bồi dưỡng; sổ tay, cẩm nang hướng dẫn; tờ rơi, tờ gấp, gồm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp (cơ sở đào tạo): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC.
 
Chi tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
 
Về hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên: Các cơ sở đào tạo chủ động sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên, các quỹ hỗ trợ sinh viên, quỹ hỗ trợ hoạt động sự nghiệp, các nguồn thu hợp pháp khác) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở đào tạo. Việc sử dụng kinh phí để tổ chức các hoạt động này được cụ thể hóa trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở đào tạo.

Nguồn: Khánh Linh/Chinhphu.vn

Các tin khác