Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201810/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-tu-uu-tien-thanh-yeu-thich-819974/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201810/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-tu-uu-tien-thanh-yeu-thich-819974/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Từ ưu tiên thành yêu thích - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 22/10/2018, 09:13 [GMT+7]
Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Từ ưu tiên thành yêu thích

(Congannghean.vn)-Với nhiều ưu thế sẵn có, hàng Việt Nam đang ngày càng khẳng định trên thị trường, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, khẳng định tính đúng đắn của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Song, để duy trì tính hiệu quả và bền vững theo thời gian, thôi thúc người Việt dùng hàng trong nước, chỉ “ưu tiên” thôi thì chưa đủ.

Xây dựng, giữ vững thương hiệu với người tiêu dùng đang là khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp Việt
Xây dựng, giữ vững thương hiệu với người tiêu dùng đang là khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp Việt

Hiện nay, cùng với việc cải thiện mức sống, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn và sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, có chất lượng. Nắm bắt nhu cầu đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những chiến lược cụ thể để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo một khảo sát, nhiều nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây như: 80% người tiêu dùng chuộng sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; 70% người tiêu dùng chọn thực phẩm, rau quả; 49% chọn các sản phẩm đồ gia dụng; vật liệu xây dựng, đồ nội thất có 38%; 33% người tiêu dùng chọn văn phòng phẩm; các sản phẩm điện tử, điện lạnh là 26%; thuốc men, dược phẩm, dụng cụ y tế  là 26%... Qua thời gian phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, hàng Việt Nam đã từng bước chiếm vị trí nhất định trong nhiều ngành hàng.

Cần khẳng định rằng, đây là cuộc vận động mang nhiều ý nghĩa, vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, vừa khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, thể hiện sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong chủ trương phát động cuộc vận động cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tạo sự đồng tình, ủng hộ cao trong các tầng lớp nhân dân.

Tại Nghệ An, Ban vận động tỉnh cũng đã đa dạng các hoạt động để tạo sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động, góp phần từng bước thay đổi hành vi mua sắm của người dân.

Đã có hàng nghìn chương trình khuyến mãi, hàng chục hội chợ, triển lãm được tổ chức tại TP Vinh và các huyện, trong đó có nhiều gian hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh. Các đơn vị chức năng cũng đã tăng cường điều tra, khảo sát, ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm Việt Nam đạt chất lượng đến tay người tiêu dùng. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày chủ nhật xanh”, phong trào “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn”…

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, quảng bá sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, dịch vụ và sức cạnh tranh của hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điển hình như thương hiệu cam Vinh, nước mắm Vạn Phần, mây tre đan xuất khẩu, sữa tươi TH…

Kết quả của cuộc vận động đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế tỉnh nhà duy trì sự ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; qua đó, thúc đẩy sản xuất - dịch vụ phát triển, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, thu hút đầu tư; hình thành quan hệ kinh tế, tạo sự liên kết giữa đô thị và nông thôn, miền núi, thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm tiêu dùng chất lượng gắn với thị trường, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, kinh tế nông thôn và giải quyết việc làm.

So với mục tiêu đề ra, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng quan, vẫn còn nhiều tồn tại mà Ban vận động tỉnh cần khắc phục để tạo hiệu quả bền vững hơn nữa. Điều này xuất phát từ nguyên nhân, tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Năng lực một số doanh nghiệp nội địa còn hạn chế về số lượng, mẫu mã, chủng loại và giá cả, nhiều doanh nghiệp thiếu kỹ năng bán hàng, quảng bá thương hiệu. Trong khi đó, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tâm lý “sính ngoại” của người dân khiến hàng Việt Nam còn khó khăn nhất định trong tiếp cận thị trường và được lựa chọn.

Có thể thấy, từ một thói quen tiêu dùng đơn lẻ, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo thành xu hướng lựa chọn trong người dân. Đây cũng tạo sân chơi rộng lớn để các doanh nghiệp cộng hưởng, từ đó nhân rộng, phát triển. Với tính tự tôn, yêu nước, người dân Việt đã tạo “cú hích” cho nhiều doanh nghiệp trong phát triển chiến lược. Tuy nhiên, nếu chỉ mãi dựa vào “ưu tiên” thì chưa đủ. Bởi, giữa thị trường rộng lớn, người tiêu dùng sẽ chọn lựa mặt hàng với những lợi thế, tính năng nổi bật hơn, có chiến lược tiếp cận, hỗ trợ tốt hơn. Bởi thế, doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa để khẳng định thương hiệu, chất lượng với người dân.

Tất nhiên, trong triển khai cuộc vận động, sự hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng. Đặc biệt là trong việc đưa ra những giải pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường nội địa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” để góp phần giới thiệu, quảng bá và đưa hàng Việt Nam về với các huyện, thành, thị miền núi, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Có như vậy, những giải pháp đồng bộ, tích cực của các ban, ngành mới tạo tiền đề để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành thói quen, thành “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

.

Mai Hậu

.