(Congannghean.vn)-Thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn đã làm khởi sắc diện mạo xã ven đô, tuy nhiên người dân cũng phải hứng chịu sự ô nhiễm, bất cập từ các dự án. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư sau, mặc dù đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng lại bị người dân gây khó dễ vì sợ “vết xe đổ” của doanh nghiệp đi trước.
Phần diện tích đất dự án của Công ty TNHH Hiến Thành và Nhơn Huế chưa triển khai được vì vướng thỏa thuận đền bù với người dân |
Những năm gần đây, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên với vị trí địa lý thuận lợi đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến để đầu tư, xây dựng các công trình, hạ tầng. Bên cạnh tạo được diện mạo mới về công nghiệp, góp phần tăng ngân sách địa phương thì những dự án này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân.
Trong số đó, theo phản ánh của ông Ngô Xuân Kháng trú tại xóm 3, xã Hưng Thịnh, gia đình ông có thửa ruộng khoảng 268 m2, nằm sát cạnh công trường của Công ty CP 471. Từ nhiều năm nay, Công ty đã “lấn chiếm” bằng cách đổ đất đá, rác thải xây dựng lên phần đất này khiến việc canh tác của gia đình gần như ngưng trệ. Tương tự, anh Ngô Văn Kỷ có mảnh đất nằm sát vách dự án của Công ty, cũng phải chịu cảnh nước thải, rác thải công nghiệp xả vào khiến việc sản xuất gần như không thực hiện được.
Cũng tại vị trí nằm giữa 2 dự án này, anh Nguyễn Văn Thái trú tại xóm 3 Yên Thọ cho biết: Từ 2 - 3 năm nay, gia đình có thửa ruộng hơn 1.000 m2 đã bị trạm trộn bê tông của 1 công ty xây dựng trên địa bàn “hành hạ”. Ngoài việc nước thải xi măng từ trạm trộn xả ra ruộng, phía công ty này còn xây dựng trạm biến áp ngay sát phần đất của gia đình, khiến việc canh tác vào ngày mưa gió rất bất an. Theo phản ánh của người dân, đây là những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, thực chất thì 2 dự án xây dựng của 2 công ty đã làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, năng suất của cả cánh đồng khi gây ngập úng, xả thải xi măng khiến ruộng trồng kém năng suất, chất lượng.
Cũng tại xã Hưng Thịnh, ngày 29/9/2016, UBND xã này có Công văn số 110, thống nhất đồng ý cho Công ty TNHH Hiến Thành khảo sát lựa chọn xây dựng khu kinh doanh dịch vụ thương mại, vận tải, nhà xưởng sản xuất gia công cơ khí và kết cấu thép tại khu vực đường tránh Vinh, thuộc địa phận xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, với diện tích khoảng 10.000 m2. Hiện trạng là đất trồng lúa của các hộ gia đình, được UBND huyện Hưng Nguyên giao đất theo Nghị định 64/CP, đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã Hưng Thịnh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án này đã làm ảnh hưởng đến phần đất sản xuất của 18 hộ dân tại cánh đồng Phá Lát thuộc 2 xóm Yên Thọ và Yên Thượng, xã Hưng Thịnh.
Ngày 30/12/2016, UBND huyện Hưng Nguyên có Văn bản số 1255, thống nhất đề nghị của các cơ quan chức năng hữu quan, đồng ý cho Công ty TNHH Hiến Thành lập dự án. Trên cơ sở này, ngày 15/3/2017, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và ngày 5/3/2018, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 770 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đối với dự án này. Theo đó, dự án xây dựng khu kinh doanh dịch vụ thương mại, vận tải, nhà xưởng sản xuất gia công cơ khí và kết cấu thép bao gồm 10 hạng mục, trong đó các hạng mục chính là văn phòng làm việc, nhà trưng bày sản phẩm, khu xử lý chất thải rắn… Ngay sau đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hiến Thành đã tiến hành các bước thỏa thuận với người dân trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đến nay, đã có 11 hộ chấp nhận các phương án đền bù và đã nhận tiền, bàn giao đất cho doanh nghiệp. Hiện, vẫn còn 7 hộ dân chưa chấp nhận các phương án, vì cho rằng giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra là quá thấp so với quy định. Theo ý kiến của bà Trần Thị Liên, một trong những hộ dân có diện tích đất 679 m2 nằm trong dự án, đến nay vẫn chưa thống nhất được mức giá đền bù, cho biết: Giá thỏa thuận mà Công ty TNHH Hiến Thành đưa ra 170 triệu đồng/sào Bắc Bộ (khoảng 500 m2) là quá rẻ. Trong khi phía công ty và người dân chưa có sự thống nhất thì một số người (cò đất) đã tìm đến, trả với giá từ 250 - 270 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, những người này ra giá xong rồi bỏ đi chứ chưa có bất cứ ràng buộc nào, cũng không thấy quay lại để thỏa thuận mua bán với bà con.
Bên cạnh dự án của Công ty TNHH Hiến Thành là dự án của gara Nhơn Huế cũng “đắp chiếu” từ nhiều năm nay. Để thực hiện dự án, Nhơn Huế đã tiến hành đền bù, GPMB cho các hộ dân và tiến hành san lấp mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn vướng mắc đền bù GPMB cho hộ bà Nguyễn Thị Lý, có phần đất án ngữ mặt tiền Quốc lộ 1A tuyến tránh TP Vinh nên dự án đang phải dừng lại. Ngoài ra, Ban cán sự xóm 3, xã Hưng Thịnh cũng đang không cho đơn vị này thi công vì chưa trả đủ 30 triệu đồng tiền công đào đắp đường, kênh mương trước đó nhân dân đã thực hiện.
Về những vấn đề này, ông Trương Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: Việc Công ty CP 471 và trạm trộn bê tông của doanh nghiệp xây dựng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cuộc sống thường nhật của bà con là có thật. Chính quyền đã tổ chức nhiều buổi làm việc, yêu cầu 2 công ty sớm có biện pháp khắc phục, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nhân dân. Mới đây nhất, vào cuối tháng 8/2018, đại diện 2 công ty cũng đã cam kết sẽ xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước, xử lý nước thải và đã được người dân đồng ý các phương án.
Trong khi đó, về những vướng mắc trong khâu đền bù, GPMB tại 2 dự án của Công ty Hiến Thành và Nhơn Huế, ông Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết, phía công ty cũng đã có văn bản “cầu cứu” UBND xã. Tuy nhiên, đây là dự án của doanh nghiệp tư nhân, nên việc đền bù, GPMB là do hai bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau, chính quyền chỉ đứng ra trung gian chứ không có quyền can thiệp, không thể ép buộc họ theo đơn giá Nhà nước được. Theo ông Tám, người dân đòi áp giá mức 250 triệu đồng/sào là hơi cao so mức giá đất hiện nay trên địa bàn xã Hưng Thịnh.