Kinh tế xã hội
Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị: Nhiều kết quả quan trọng
(Congannghean.vn)-Năm 2013, Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng với mục tiêu xây dựng địa phương trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Sau 5 năm thực hiện, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng đặt ra yêu cầu cần sự đột phá và tăng tốc hơn nữa, nhất là trên “mặt trận” kinh tế.
Diện mạo và vị thế của Nghệ An ngày càng khởi sắc qua quá trình thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị - Ảnh minh họa |
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2014 - 2018 tăng bình quân 8%. GRDP bình quân đầu người năm 2018 dự tính đạt xấp xỉ 38 triệu đồng, tăng gấp 1,57 lần so với năm 2013. Thu ngân sách trên địa bàn tăng đều hàng năm. Năm 2013, tổng thu ngân sách mới chỉ đạt hơn 8.000 tỉ đồng, đến năm 2018, dự kiến đạt 13.500 tỉ đồng, tăng 1,67 lần.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,76% năm 2013 lên 31,39% năm 2017 và năm 2018 dự kiến đạt 33,35%. Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 25,03% năm 2013 xuống 21,79% năm 2017; khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 47,21% năm 2013, năm 2017 là 46,82%. Trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều chuyển biến rõ nét. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Qua đó, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu, phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, với việc hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung.
Một điểm nhấn quan trọng khác trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 là môi trường đầu tư và kinh doanh không ngừng được cải thiện mạnh mẽ theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong những năm qua liên tục tăng hạng: Từ xếp thứ 46 năm 2013 vươn lên xếp thứ 21 của cả nước, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ vào năm 2017. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14 - 15%/năm, quy mô vốn đăng ký bình quân đạt 5,01 tỉ đồng/doanh nghiệp. Giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh đã thu hút được 541 dự án với tổng vốn đầu tư 179.743 tỉ đồng. Bên cạnh đó, có 31 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư 15.050 tỉ đồng đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả.
Cũng trên lĩnh vực công nghiệp, Nghệ An phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành những vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết 26.
Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, những kết quả đạt được đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt và vị thế tỉnh nhà. Trong đó, đáng mừng là có những mục tiêu vượt xa kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ thương mại... Đơn cử như về chương trình xây dựng NTM, đến nay đã đạt 14,54 tiêu chí/xã; có 181 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số điểm “vướng”, một số chỉ tiêu của Nghị quyết đưa ra khó thực hiện, trong đó có chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Bởi tính đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của cả nước mới đạt hơn 2.300 USD/người/năm; trong khi Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế Nghệ An đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt mức hơn 2.800 - 3.500 USD/người/năm.
Về phát triển kinh tế vùng, một trong những nội dung của Nghị quyết là xây dựng TP Vinh thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, để chạm đến mục tiêu trên, thành phố cần nhiều giải pháp mang tính đột phá hơn nữa, nhất là trên lĩnh vực cải cách hành chính cũng như xây dựng nguồn nhân lực đủ tâm, đủ tầm.
Tại Hội nghị thảo luận Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 được tổ chức vào ngày 19/6 vừa qua, nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế - nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã có nhiều ý kiến góp ý, “mách nước” để quá trình thực hiện Nghị quyết đạt kết quả toàn diện. Theo đó, Nghệ An muốn tăng tốc kinh tế thì nhất thiết phải tăng năng suất lao động nội ngành và tăng năng suất lao động từ vùng thấp sang vùng cao. Trong đó, chú trọng 2 giải pháp huy động nguồn lực là kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của người quê Nghệ An về đầu tư cho quê hương và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà trí thức, nhà khoa học… khắp nơi trong cả nước hiến kế xây dựng địa phương.
Cầu thị tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, với tinh thần tự lực, tự cường, phát huy cao nhất nội lực, tự mình vượt qua rào cản nội tại, Nghệ An đã và đang nỗ lực cán đích các mục tiêu mà Nghị quyết 26 đã đề ra với tâm thế chủ động và quyết tâm cao.
Thùy Dương