Kinh tế xã hội

Doanh nghiệp gặp khó vì phù hiệu 'xe tải'

09:46, 11/07/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Từ ngày 1/7, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô, gắn thiết bị giám sát hành trình và phải được gắn phù hiệu “xe tải”. Sau hơn 10 ngày đầu quy định có hiệu lực thi hành, nhiều chủ xe tải dưới 3,5 tấn vẫn lúng túng với quy định này.
 
Theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô” và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, từ ngày 1/7/2018, tất cả xe tải từ 3,5 đến dưới 7 tấn dù không kinh doanh vận tải vẫn phải đăng ký kinh doanh lại để được cấp phù hiệu, nếu không sẽ bị xử phạt khi tham gia lưu thông. Mặc dù quy định này đã có lộ trình từ năm 2014, tuy nhiên khi Nghị định có hiệu lực, vẫn nảy sinh nhiều bất cập.
Quy định gắn hộp đen và phù hiệu từ ngày 1/7/2018 cho xe tải dưới 3,5 tấn đang khiến không ít doanh nghiệp gặp khó
Quy định gắn hộp đen và phù hiệu từ ngày 1/7/2018 cho xe tải dưới 3,5 tấn đang khiến không ít doanh nghiệp gặp khó
Muốn có phù hiệu, phải bổ sung thêm ngành nghề 
 
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Villa, trụ sở tại phường Vinh Tân, TP Vinh phản ánh: DN của bà là 1 DN nhỏ, kinh doanh thương mại thuần tuý (bán buôn và bán lẻ) với 3 xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hoá từ kho đến khách hàng. Thời gian gần đây, những chiếc xe này đã bị lực lượng chức năng dừng xe để xử phạt vì lỗi không có phù hiệu “xe tải” dán trên kính xe, căn cứ vào Điều 2, Điều 3 và Điều 11 của Nghị định 86/2014/NĐ-CP (DN kinh doanh thương mại nhưng có liên quan đến vận tải nên cũng được xem là có kinh doanh vận tải). Ngoài ra, Điều 11, Nghị định này cũng quy định: Tất cả các dòng xe tải “kinh doanh vận tải” đều phải lắp hộp đen hợp chuẩn và làm phù hiệu “xe tải”. Theo lộ trình thì trước năm 2016, chỉ có xe tải từ 10 tấn trở lên mới phải thực hiện điều này, nhưng đến trước ngày 1/7/2018 thì xe tải dưới 3,5 tấn cũng phải có phù hiệu “xe tải” và phải lắp hộp đen hợp chuẩn. 
 
Cũng theo phản ánh của Công ty TNHH Vinh Villa, khi DN này đến Sở GTVT để làm các thủ tục nói trên thì được giải thích là muốn dán được phù hiệu “xe tải” thì điều kiện DN phải có là giấy đăng ký kinh doanh của công ty phải có ngành nghề kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải của Sở GTVT cấp (giấy phép con). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để được sử dụng phương tiện ôtô tải nhằm kinh doanh thương mại, DN (có xe dùng để chở hàng) phải đăng ký và hoạt động thêm cả ngành nghề kinh doanh vận tải. Hay nói cách khác, DN muốn sử dụng xe ôtô để chở hàng phải bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải ôtô tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó lên Sở GTVT làm giải trình mục đích sử dụng, rồi đi đăng kiểm, khai báo lại... mới được gắn phù hiệu, hộp đen cho xe. 
 
Thắc mắc của Công ty TNHH Vinh Villa cũng là trăn trở của rất nhiều DN vừa và nhỏ trên địa bàn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều chủ DN, họ đồng ý với chủ trương quản lý phương tiện, nhưng đối với các DN không kinh doanh vận tải lại mong muốn được cấp phù hiệu cho xe ôtô mà không phải bổ sung ngành nghề kinh doanh mới. 
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho rằng, liên quan đến việc triển khai Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, Sở GTVT đã tổ chức tập huấn, xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cũng như công khai thủ tục tại bộ phận một cửa để các DN tham gia kinh doanh vận tải biết. Nhiều DN cho rằng, dán phù hiệu “xe tải” áp dụng đối với DN nhỏ, kinh doanh thương mại, nuôi trồng, dịch vụ ăn uống… là chưa thỏa đáng, bởi hầu hết các hoạt động vận chuyển này không sinh lợi, mà còn phải bù chi phí thêm. Về vấn đề này, ông Hùng dẫn quy định tại Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 86, thì hoạt động của các DN này là “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”. Khoản 1, Điều 50, Thông tư 63 cũng quy định đối với loại hình này, phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô nếu vận chuyển hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng, quá khổ quá tải hoặc DN có từ 5 xe trở lên, hoặc chuyên vận chuyển hàng hóa từ 10 tấn trở lên. 
 
Doanh nghiệp gặp khó, hợp tác xã vận tải “hưởng lợi”?
 
Việc dán phù hiệu “xe tải” sẽ góp phần quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh vận tải của các DN hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 86 cũng đặt ra vấn đề, đối với những DN không đủ tiêu chuẩn để cấp phù hiệu “xe tải”, muốn có phù hiệu cho phương tiện thì phải thỏa thuận góp cổ phần bằng phương tiện đó vào các công ty, HTX vận tải hoặc phải ký hợp đồng vận tải với các tổ chức đó để được đứng ra đại diện xin cấp phù hiệu cho xe mình. Như vậy, chủ xe phải đóng phí hằng năm từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với xe trọng tải dưới 3,5 tấn, cộng với các loại phí lắp thiết bị giám sát hành trình, khám sức khỏe, tập huấn... trong khi thu nhập của những chiếc xe tải loại nhỏ này chẳng được bao nhiêu. Điều này vô hình trung trở thành gánh nặng cho các DN nhỏ. 
Phù hiệu “xe tải” - nỗi  băn khoăn của nhiều  doanh nghiệp không  tham gia kinh doanh vận tải  hiện nay (Ảnh: Internet)
Phù hiệu “xe tải” - nỗi băn khoăn của nhiều doanh nghiệp không tham gia kinh doanh vận tải hiện nay (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn hiện nay chủ yếu là xe tư nhân, tự quản lý lâu nay, không tham gia DN, HTX nào thì có cần thiết phải lắp phù hiệu? Giải thích vấn đề này, cán bộ Sở GTVT cho rằng, việc ký kết hợp đồng là thỏa thuận kinh tế giữa 2 bên, việc thu phí cũng như phân bổ nguồn thu được thực hiện theo Luật DN và Luật HTX. Hiện nay, thủ tục cấp giấy phép đăng ký vận tải bằng xe ôtô và thủ tục cấp phù hiệu cho phương tiện được Sở GTVT Nghệ An thực hiện công khai, minh bạch và không thu bất kỳ khoản phí, lệ phí nào đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về vận tải. 
Nghị định số 86/CP của Chính phủ quy định lộ trình gắn phù hiệu: Xe tải dưới 3,5 tấn trước ngày 1/7/2018. Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định: Các trường hợp điều khiển xe không có phù hiệu hoặc có nhưng đã hết hạn bị phạt 3 - 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
 
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An thừa nhận có sự bất cập trong việc xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu đối với xe ôtô tải loại 10 tấn trở lên. Cụ thể, theo Nghị định 86, tất cả các xe tải trên 3,5 tấn lưu thông phải có giấy phép kinh doanh và dán phù hiệu khi lưu thông. Thế nhưng, theo Điều 50, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định: Đối tượng được cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu phải có từ 5 xe ôtô trở lên. Trong khi đó, trên thực tế, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa có dưới 5 xe ôtô. Nếu không cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu thì những trường hợp này vi phạm Nghị định 86. Đồng thời, nếu không cấp phù hiệu cho các xe thuộc đối tượng này thì sẽ khó kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh vận tải hàng hóa và Nhà nước sẽ thất thu thuế. 
 
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, nếu xảy ra vi phạm thì phải xử phạt đơn vị, HTX kinh doanh vận tải, thực tế từ trước đến nay tại nhiều địa phương đang tiến hành xử phạt người điều khiển phương tiện. Đại diện Sở GTVT cũng cho rằng, Nghị định 86 và Thông tư 63 mặc dù ra đời đã nhiều năm, nhưng vẫn còn cách hiểu, vận dụng và quy định chưa sát thực tế. Chính điều này đã dẫn đến những bất cập, thậm chí gây ra không ít lúng túng cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ khi tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm tham gia lưu thông nhưng không chấp hành luật định theo quy định hiện hành.

THIÊN THẢO

Các tin khác