(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các cấp, ngành, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động (NLĐ) và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Năm 2017, công tác đảm bảo ATVSLĐ được thực hiện khá toàn diện. Theo đó, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, huấn luyện phổ biến các nội dung về ATVSLĐ song song với công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ, đặc biệt là việc điều tra tai nạn lao động, giải quyết chế độ tai nạn.
Cán bộ ngành Điện lực phối hợp với lực lượng Cảnh sát PC&CC tổ chức diễn tập phương án chữa cháy |
Riêng về công tác tuyên truyền, năm qua, hơn 230 buổi tuyên truyền về công tác PCCC cho lực lượng PC&CC dân phòng và lực lượng PC&CC cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức với hơn 60.000 lượt người tham gia; mở 117 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PC&CC cơ sở, chuyên ngành, với 7.196 lượt người tham gia. Ngoài ra, đã tổ chức lớp phổ biến kiến thức về an toàn lao động cho nhiều công nhân lao động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất trên địa bàn. Song song với tuyên truyền, phổ biến kiến thức, công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật ATVSLĐ cũng được Sở LĐ-TB&XH chú trọng, với việc chủ trì và phối hợp thực hiện 13 cuộc thanh, kiểm tra tại 113 doanh nghiệp, lập biên bản và xử phạt hành chính 542 triệu đồng đối với 34 đơn vị.
Liên quan đến vấn đề tai nạn lao động, theo thống kê, báo cáo từ các đơn vị, doanh nghiệp, năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ, làm 9 người chết, 20 người bị thương nặng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế trên là do nhiều doanh nghiệp vi phạm lợi ích của NLĐ. Khi xảy ra các vụ việc đáng tiếc, vẫn còn xảy ra tình trạng giấu giếm, thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Cũng liên quan đến công tác đảm bảo ATVSLĐ, tại nhiều làng nghề, vấn đề này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Hiện, điều kiện làm việc tại các làng nghề đã có sự cải thiện từ thủ công sang sử dụng máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; phần lớn NLĐ không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động; thiếu kiến thức về ATVSLĐ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tai nạn lao động. Do vậy, bên cạnh việc tập huấn kiến thức, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Công tác phối hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức đảm bảo ATVSLĐ cho chủ sử dụng lao động và NLĐ cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là lao động tự do khi những đối tượng này gần như chưa ý thức được việc tự đảm bảo an toàn để đòi hỏi quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của bản thân đối với chủ sử dụng lao động.
Từ năm 2017, tháng 5 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe NLĐ. Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, trong tháng 4 vừa qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức lễ phát động đẩy mạnh thực hiện văn hoá an toàn lao động năm 2018 nhằm góp phần xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như các đơn vị điện lực Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa…, với các thông điệp ý nghĩa như “Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động”. Còn tại huyện Diễn Châu, hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ, thời gian tới, các tổ chức Công đoàn cơ sở trên địa bàn sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức ATVSLĐ cho 3.000 đoàn viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời đề xuất trang cấp trang thiết bị vật chất để cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.
Để công tác đảm bảo ATVSLĐ phát huy hiệu quả thực chất và mang tính bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành và chủ sử dụng lao động, mỗi NLĐ cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc bằng việc tự trang bị những kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với rủi ro lao động.
.