Kinh tế xã hội
Công trình chậm tiến độ, chủ đầu tư bất lực?
(Congannghean.vn)-Dự án nâng cấp, sửa chữa vùng ngập úng huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang bị chậm tiến độ trầm trọng do sự “dây dưa, thiếu hợp tác” của nhà thầu. Dù đã hết thời gian thi công và được “ưu ái” gia hạn hợp đồng đến ngày 30/6/2018 nhưng đến nay, công trình trọng điểm này chỉ mới đạt khoảng 26% khối lượng thi công. Trước thực trạng đó, Ban quản lý ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh (Ban ODA) đã nhiều lần nhắc nhở, thúc đẩy, chấn chỉnh nhà thầu nhưng vẫn không đạt được kết quả.
Dù đã quá thời gian hợp đồng 2 tháng nhưng đến nay, khối lượng thi công mới chỉ đạt 26% |
Tiến độ “rùa bò”…
Dự án nâng cấp, sửa chữa vùng ngập úng huyện Lộc Hà có tổng kinh phí xây lắp trên 50 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), do Ban quản lý ngành NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm và Công ty TNHH Mạnh Linh, phố Khánh Tân, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình.
Dự án được triển khai trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Lộc Hà gồm: Tân Lộc, Hồng Lộc, Bình Lộc, An Lộc và Thịnh Lộc. Dự án gồm 20 hạng mục, trong đó có các hạng mục chính: Nâng cấp đập chính và đập phụ Khe Hao với tổng chiều dài 1.245 m, 2 tuyến đường cấp IV có tổng chiều dài 7,4 km, 7 km kênh tưới và 3,3 km kênh tiêu….
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 16 tháng kể từ ngày khởi công (tháng 11/2016). Tuy nhiên, hiện nay, sau 18 tháng thi công, công trình chỉ đạt 26% khối lượng. Trong đó, có những hạng mục đạt chưa tới 15% khối lượng. Cụ thể như: Đập chính đạt khối lượng 6,6%; đường Tân Lộc - Bình Lộc - xóm 1 An Lộc đạt khối lượng 13%; đường Lối Ma - Thiên Thịnh đạt khối lượng 15%; kênh Đông Đồng Hố đạt 13,7%; kênh số 6 đập Khe Hao đạt 5%; kênh Tiêu Lối Ma - cầu Lộc đạt 2%; kênh tiêu Tân Lộc - Bình Lộc đạt 6%... Đến thời điểm hiện tại, dù đã gần hết thời gian gia hạn hợp đồng nhưng công trình vẫn ngổn ngang. Nhiều hạng mục nhà thầu chưa “đụng” tới.
Chủ đầu tư bất lực?
Sốt ruột vì mùa mưa bão đang đến và tranh thủ thời tiết thuận lợi, rất nhiều lần chủ đầu tư dự án đã yêu cầu (đến nay có đến hơn 10 lần bằng văn bản) liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm và Công ty TNHH Mạnh Linh tập trung máy móc, thiết bị, vật liệu, nhân lực để thi công nhưng dường như nhà thầu này vẫn chây ỳ, mặc kệ.
Tại Văn bản số 22/ODA-KTGG về việc bố trí đủ nhân lực, thiết bị theo tiến độ đã lập để thực hiện gói thầu DATP3-XL/TL; GT/2016, chủ đầu tư nêu rõ: Dù đã hết thời gian hợp đồng, nhưng khối lượng thực hiện được quá ít. Ngày 23/3/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 1443/NBND-NL cho phép gia hạn hợp đồng đến ngày 30/6/2018. Song, từ khi gia hạn đến nay, tiến độ thi công cũng không được cải thiện nhiều, mặc dù thời tiết rất thuận lợi. Mặc dù các hạng mục đủ điều kiện thi công nhưng nhà thầu vẫn không bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công các hạng mục theo tiến độ chi tiết nhà thầu đã lập được ban ODA phê duyệt vào tháng 3/2018.
Ngoài ra, việc nhà thầu chậm tiến độ đã được Sở NN&PTNT (chủ đầu tư) nhắc nhở nhiều lần, tại các Thông báo số 455/TBSNN ngày 24/8/2017, Văn bản số 1808/SNN-XDCT ngày 11/9/2017, Văn bản số 416/SNN-XDCT ngày 14/3/2018… gửi nhà thầu về việc yêu cầu tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ gói thầu.
Ngoài các vấn đề về tiến độ, tại Văn bản số 13/TVTL/2018 của Công ty Tư vấn Thủy Lợi (đơn vị tư vấn giám sát) ngày 7/5/2018 cũng nêu rõ nhiều bất cập, tồn tại trong các hạng mục đã thi công, trong đó có một phần do đơn vị thi công không có cán bộ có chuyên môn kỹ thuật thủy lợi nên việc chỉ đạo thi công gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
PV Báo Công an Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đại diện chủ đầu tư. Người này cho biết, thực trạng công trình chậm tiến độ là đúng, mặc dù Ban 0DA đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ, nhưng công trình vẫn trong tình trạng thi công ì ạch; đồng thời khẳng định: Kinh phí dành cho dự án không thiếu, chủ đầu tư sẽ thanh toán cho các nhà thầu theo đúng cam kết hoàn thành khối lượng.
Thiết nghĩ, một công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 50 tỉ đồng, nhưng việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần xem xét rõ trách nhiệm của từng đơn vị, đặc biệt là nhà thầu thi công để dự án sớm hoàn thành, phục vụ lợi ích của nhân dân và tránh lãng phí.
Trung Thông - Thu Hường