Kinh tế xã hội

Lợi dụng cải tạo ao để khai thác đất

08:32, 17/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù trong tờ trình UBND xã Nam Giang gửi UBND huyện Nam Đàn là xin cải tạo hồ trồng sen tại Khu công nghiệp Nam Giang, tuy nhiên, sau khi được chấp thuận, thay vì cải tạo theo đúng văn bản được huyện phê duyệt, UBND xã Nam Giang đã để cho doanh nghiệp khoét sâu ao, lấy đất mang đi bán. Sau 2 năm, khu vực khai thác đất trở thành ao nước “khổng lồ” sâu từ 1 - 3 m mà không có cây sen nào mọc lên?

Cải tạo ao để trồng sen nhưng lại không có bóng dáng cây sen nào trên mặt nước
Cải tạo ao để trồng sen nhưng lại không có bóng dáng cây sen nào trên mặt nước

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 24/4/2016, UBND xã Nam Giang có Tờ trình số 39/TTr-UBND gửi UBND huyện Nam Đàn về việc cải tạo hồ trồng sen tại Khu công nghiệp Nam Giang.

Cụ thể “Thực hiện Công văn số 519/UBND-KTHT ngày 13/4/2016 của UBND huyện Nam Đàn về việc quản lý quỹ đất tại Cụm công nghiệp Nam Giang, để quản lý có hiệu quả diện tích đất này, UBND xã Nam Giang đề nghị được huyện xem xét, giải quyết theo một số nội dung: Phần đất lưu không trước Nhà máy Havina Kim Liên có diện tích 1,4 ha đã đền bù, thu hồi đất. Phần đất này không chủ động tưới tiêu, không giao khoán sản xuất lúa và hiện nay đã có một số hộ tự phát trồng sen với diện tích 0,3 ha, còn lại bỏ hoang hóa. UBND xã Nam Giang đề nghị Chủ tịch UBND huyện cho phép UBND xã cải tạo mặt bằng, hạ độ sâu 0,5 m để trồng sen thành điểm nhấn trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cụm công nghiệp, cũng như phù hợp với mục đích sử dụng đất tại đây. Trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND xã sẽ trừ phần lưu thông hành lang đường bộ Quốc lộ 46 và tiến hành trồng sen sẽ đảm bảo yêu cầu và quy trình kỹ thuật”.

Sau khi xem xét tờ trình, UBND huyện Nam Đàn có Công văn số 620/UBND-KTHT ngày 28/4/2016 chấp thuận tờ trình của UBND xã Nam Giang. Cụ thể, “Phần diện tích đất quy hoạch hồ sen trước Công ty Havina Kim Liên đã được UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường GPMB tại Quyết định số 5163/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 với diện tích 31.895 m2. Để quản lý phần đất đã được UBND huyện bồi thường GPMB, tránh lãng phí quỹ đất, UBND huyện đồng ý giao cho UBND xã Nam Giang cải tạo phần diện tích quy hoạch hồ sen trước Công ty Havina Kim Liên và trồng sen theo đúng phương án đã được phê duyệt. UBND xã Nam Giang giao tổ chức quản lý và sử dụng đất đúng mục đích, không được xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào trên diện tích đất nói trên, đồng thời trả lại đất khi UBND huyện triển khai xây dựng dự án mà không được yêu cầu bồi thường chi phí cải tạo đất và tài sản trên đất”. Đồng thời, UBND huyện giao Phòng Kinh tế hạ tầng chỉ đạo UBND xã Nam Giang thực hiện theo đúng mục đích của quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo hành lang ATGT và kết cấu hạ tầng đường bộ.

Văn bản đồng ý và chỉ đạo của UBND huyện Nam Đàn là vậy, nhưng khi thực hiện phương án cải tạo ao thì UBND xã Nam Giang lại không tuân thủ các chỉ đạo trên.

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn, trong năm 2016, khu vực này bỗng trở thành một công trường “khổng lồ”. Hàng ngày, những chiếc máy xúc cỡ lớn hoạt động hết công suất, từng đoàn xe tải ầm ầm chở đất từ khu vực này đi đổ cho một số nhà máy gạch trên địa bàn. Cũng từ đó, hồ trồng sen ngày càng được múc sâu hơn. Theo thực nghiệm của chúng tôi, hiện tại có những vị trí ao thay vì độ sâu 0,5 m (theo văn bản đề nghị của UBND xã Nam Giang được phê duyệt - P.V) thì lại có độ sâu từ 1 - 3 m, tạo thành một ao nước “khổng lồ”, xung quanh không được che chắn, rất nguy hiểm.

Được biết, vào tháng 6/2016, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn đã có biên bản kiểm tra việc thực hiện quá trình đào đất phục vụ trồng sen tại Cụm công nghiệp Nam Giang. Nội dung kiểm tra nêu rõ, tại vị trí cột 163/371E, trước cổng chính Công ty Haivina Kim Liên là 4,8 m tính từ tim cột mốc, vi phạm hành lang lưới điện 1,2 m, độ sâu 2 m. Dọc tuyến đường Đặng Thai Mai kể từ chân đường đắp ra là 21,5 m, độ sâu 2 m. Vị trí km24+400 tuyến Quốc lộ 46 kể từ chân đường đắp ra là 25 m, độ sâu 2,3 m. Đoàn kiểm tra yêu cầu UBND xã Nam Giang đình chỉ đơn vị thi công không được đào đất tại những vị trí đã vi phạm hành lang lưới điện, dải đất dành cho quy hoạch trồng cây xanh dọc tuyến Quốc lộ 46.

Đến thời điểm hiện tại, trên mặt ao rộng hàng chục nghìn m2 đã được cải tạo, lấy đất để trồng sen nhưng ngặt nỗi không có lấy một bông sen nào, thay vào đó là ao nước khổng lồ với độ sâu từ 1 - 3 m, cho thuê nuôi cá. Dư luận địa phương cho rằng, việc UBND xã Nam Giang xin cải tạo khu đất này để trồng sen chỉ là cái cớ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác đất “hợp pháp”. Đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn m3 đất đã được tuồn vào nhà máy gạch, dưới danh nghĩa cải tạo ao trồng sen. Vậy ai là đối tượng đã được hưởng lợi trong “dự án” này?

V. Thành

Các tin khác