Kinh tế xã hội
Phát triển dược liệu tiến tới thị trường xuất khẩu
(Congannghean.vn)-Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường vừa ký ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 3/4/2018 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đoàn công tác Trung ương kiểm tra dây chuyền chế biến cây dược liệu tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông (tháng 12/2017) |
Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu nhằm tăng cường bảo tồn tại chỗ các loài cây dược liệu tại 3 vùng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt; xây dựng 3 khu bảo tồn chuyển vị một số cây thuốc đặc hữu quý hiếm tại 3 huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn; quy hoạch các vùng rừng có cây dược liệu mọc tự nhiên tại 3 vùng sinh thái là vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng để khai thác bền vững 17 loài hoặc nhóm loài có tiềm năng tạo nguồn dược liệu làm thuốc. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu tập trung là 885 ha, 60% diện tích và sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn GACP-WHO. Đến năm 2030, tăng diện tích trồng lên 950 ha, 100% diện tích và sản lượng đạt GQCP-WHO, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng dược liệu trong tỉnh.
Theo đó, về quy hoạch vùng bảo tồn và khai thác cây dược liệu tự nhiên, đề xuất quy hoạch bảo tồn tại chỗ 38 loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn và các nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Xây dựng 3 khu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu để bảo tồn và chuyển vị các loại thuộc diện bảo tồn và các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm của tỉnh Nghệ An gắn với những cơ sở, dự án đã có hoặc đã quy hoạch ở 3 huyện Quỳ Hợp, Quế Phong và Kỳ Sơn với tổng diện tích 15 ha. Quy hoạch 13 vùng khai thác tại 13 huyện, thị xã để khai thác bền vững 17 loài hoặc nhóm loài cây dược liệu mọc tự nhiên có trữ lượng tương đối lớn và đặc trưng ở Nghệ An, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.
Về quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, đề xuất tập trung phát triển 14 loài hoặc nhóm loài cây thuốc tại 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh theo 3 vùng gồm vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng với tổng diện tích trồng 905 ha. Rà soát lại diện tích trồng của 3 loài cây dược liệu đã được quy hoạch là chanh leo, gấc và quế tại 4 huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn. Tập trung chọn tạo giống (quế), hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh (chanh leo, quế, gấc) đảm bảo sản xuất dược liệu đạt năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Ngoài 11 huyện, thị xã được quy hoạch, xác định 8 huyện, thị xã gồm: Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thái Hòa, Thanh Chương, Cửa Lò cũng có tiềm năng phát triển một số cây dược liệu với diện tích quy hoạch cho mỗi huyện, thị xã từ 20 - 50 ha. Sẽ quy hoạch cơ sở sản xuất giống cây dược liệu tại 5 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Nghi Lộc với quy mô 10 ha, công suất 5 - 7 triệu cây giống/năm.
Quy hoạch cơ sở sơ chế, đóng gói và bảo quản sản phẩm cây dược liệu ở 10 huyện, thị xã đưa vào quy hoạch trồng cây thuốc gồm Con Cuông, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, TX Hoàng Mai, Tân Kỳ, Tương Dương, Yên Thành. Xây dựng 1 nhà máy chiết xuất dược liệu cho toàn tỉnh với công suất đạt khoảng 10.000 tấn dược liệu thô/năm, lộ trình xây dựng từ năm 2018 - 2025; xây dựng 1 khu chế biến và bảo quản nông sản, dược liệu với diện tích dự kiến 0,7 ha tại TP Vinh.
Về tiêu thụ sản phẩm, thông qua các tổ chức kinh tế là các công ty kinh doanh dược liệu, các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, công ty thương mại… dự kiến giai đoạn 1 (đến năm 2025), sẽ tiêu thụ khoảng 2.746 tấn sản phẩm, tương đương với 60% sản lượng dược liệu vùng quy hoạch được tiêu thụ theo hình thức bao tiêu sản phẩm. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), dự kiến tiêu thụ khoảng 4.125 tấn sản phẩm, tương đương với 90% sản lượng dược liệu vùng quy hoạch được tiêu thụ theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch nguồn nhân lực cho lĩnh vực phát triển dược liệu đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu hợp lý giữa các vùng, các lĩnh vực và có chất lượng cao.
Để đạt được những nội dung đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cần thực hiện tốt 7 giải pháp, gồm: Giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp về tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến; giải pháp về liên kết thị trường và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp huy động vốn đầu tư; giải pháp về nghiên cứu và hợp tác trong nước, quốc tế.
Trong đó, giao Sở Y tế tổ chức công bố quy hoạch theo quy định; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng lộ trình; định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát huy hiệu quả các cây trồng có lợi thế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai công việc liên quan để thực hiện quy hoạch. UBND các huyện, thành, thị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ rừng, UBND các xã, các hộ dân xung quanh vùng quy hoạch thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trong vùng quy hoạch.
Xuân Thống