Kinh tế xã hội

Đổi thay ở một làng nghề truyền thống

08:46, 05/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghề bánh đa, kẹo lạc làng Đông Nhật (xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên) nhiều năm qua đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập cạnh tranh ngày càng lớn, làng nghề Đông Nhật cần những bước đi mới đột phá để phát triển mạnh, bền vững.

Một cơ sở sản xuất tại làng Đông Nhật
Một cơ sở sản xuất tại làng Đông Nhật

Nghề làm bánh đa, kẹo lạc truyền thống tại làng Đông Nhật đã có từ lâu, nhưng phải đến chục năm trở lại đây mới thực sự phát triển mạnh, đến nay đã trở thành nghề thu nhập chính của nhiều hộ dân trong làng. Anh Đinh Trọng Hiệp, chủ cơ sở sản xuất bánh đa thôn Đông Nhật chia sẻ: “Sản phẩm chính của làng nghề Đông Nhật là bánh đa, kẹo lạc. Trước đây, sản phẩm làm hoàn toàn thủ công nhưng hiện nay, hầu hết các hộ gia đình làm nghề đã sử dụng máy móc vào quá trình sản xuất. Các công đoạn tráng bánh, rang lạc, nhào nha... được cơ khí hóa, giảm nhiều nhân công so với trước, tránh tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời năng suất lao động được nâng cao, chất lượng sản phẩm được cải thiện”.

Những năm gần đây, giá trị sản xuất từ nghề làm bánh đa, kẹo lạc truyền thống luôn chiếm phần lớn trong sản xuất kinh doanh của làng Đông Nhật. Thu nhập bình quân của mỗi hộ làm nghề đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Số hộ làm ăn khá giả ngày một tăng lên. Nhờ đó, bộ mặt làng xã ngày càng đổi mới khang trang, đời sống vật chất tinh thần không ngừng được cải thiện, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Để sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng thì khâu nguyên liệu luôn được các cơ sở sản xuất chú trọng. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Xóm trưởng xóm 7 (làng Đông Nhật) cho biết: “Các hộ sản xuất bánh đa, kẹo lạc trong làng đã quan tâm tới nhãn mác sản phẩm, đề rõ địa chỉ nhằm thể hiện trách nhiệm của các cơ sở sản xuất. Nguồn nguyên liệu luôn được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa vào sản xuất. Một số hộ tại làng nghề đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Nghề bánh đa, kẹo lạc tại làng Đông Nhật đem lại nguồn thu nhập lớn hơn nhiều so với làm nông nghiệp, tuy nhiên số hộ sản xuất, kinh doanh thường xuyên không nhiều. Nguyên nhân do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phần lớn các hộ chưa mạnh dạn đầu tư để mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao sản xuất. Chính việc sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến bị chi phối bởi vấn đề thời tiết nên nhiều hộ làm nghề chỉ sản xuất được khi trời có nắng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu còn yếu dẫn đến thương hiệu kẹo lạc Đông Nhật thường chỉ “đắt khách” vào cuối năm.

Ông Lê Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Châu cho biết: “Chính quyền xã luôn quan tâm thúc đẩy việc phát triển kinh tế làng nghề, đặc biệt là nghề bánh đa, kẹo lạc tại làng Đông Nhật. Xã luôn chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất các hộ làm nghề. Việc được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống tạo điều kiện cho nhãn hiệu bánh đa, kẹo lạc Đông Nhật được nhiều người tiêu dùng biết đến”. Tuy nhiên, ông Thịnh chia sẻ thêm, hiện tại các cơ sở sản xuất còn nhỏ, gặp khó khăn về vốn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hộ chưa dám mạnh dạn đầu tư lớn. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh sản xuất theo hướng hình thành hợp tác xã làng nghề bao tiêu, tìm đầu ra sản phẩm; hướng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước bạn Lào. Có như vậy, làng nghề truyền thống Đông Nhật mới phát triển bền vững.

Thái Lý

Các tin khác