Kinh tế xã hội

Bí thư chi đoàn thu tiền tỉ từ mô hình kinh tế VAC

08:16, 05/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Không chỉ là Bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt huyết trong công tác Đoàn, Đội, Trần Anh Đức (SN 1985), Bí thư Chi đoàn thôn 9, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương còn là một tấm gương làm kinh tế giỏi. Là 1 trong 2 thủ lĩnh Đoàn của tỉnh Nghệ An vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018, Đức đã có trong tay mô hình kinh tế quy mô gần 8 tỉ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, giúp quê hương phát triển, anh còn tạo công ăn, việc làm, giúp đỡ, hướng nghiệp cho không ít thanh niên trên địa bàn trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Anh Trần Anh Đức nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng
Anh Trần Anh Đức nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng

Năng nổ, nhiệt huyết trong công việc, ngay từ những năm học phổ thông, Trần Anh Đức luôn đi đầu trong các phong trào của lớp, của trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông và hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự, Đức quyết định ở lại quê nhà phát triển kinh tế, làm giàu ngay chính quê hương. Tuy nhiên, muốn làm kinh tế, trước hết phải có vốn. Vậy là không vội vàng, Đức quyết định đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan để tích góp vốn.

Sau 3 năm làm việc trong một trang trại chăn nuôi lớn, mức lương trung bình từ 15 - 18 triệu đồng/tháng, có một số vốn kha khá trong tay cùng với những kinh nghiệm trong chăn nuôi, năm 2014, Đức quyết định về nước thực hiện giấc mơ làm ông chủ của mình. Cũng trong thời gian này, Đức được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn 9.

Tham gia công tác đoàn thể, được đi đây đi đó nhiều nên Đức có điều kiện học hỏi thêm các mô hình kinh tế hay, nhiều kinh nghiệm chăn nuôi quý. Vừa hoạt động công tác Đoàn, Đức vừa bắt tay vào làm kinh tế. Ban đầu, Đức làm chuồng trại chăn nuôi gà đẻ, gà thịt và lợn thịt siêu nạc. Hệ thống chuồng trại của Đức khá quy mô, có hệ thống biogas xử lý nguồn phân, nước tiểu để làm chất đốt, nấu nướng hằng ngày.

“Ban đầu, một phần chưa có kinh nghiệm, một phần thị trường bấp bênh, chưa tìm được đầu ra ổn định nên nhiều lúc cũng thua lỗ. Nhưng tôi không nản chí, với phương châm “thua keo này ta bày keo khác”, một lần thất bại lại rút thêm nhiều bài học, kinh nghiệm quý nên dần dần tôi cũng vượt qua và từng bước ổn định”, Đức chia sẻ.

Khi đã tìm được đầu ra ổn định, Đức mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, mạnh dạn tăng đàn, tăng số lượng con lên nhiều để thu lãi. Khi đã có một số nguồn vốn, Đức quyết định kinh doanh thêm mặt hàng thức ăn gia súc, gia cầm và thuốc thú y, không chỉ phục vụ nhu cầu của mình mà còn cung ứng cho thị trường trong vùng. Bên cạnh đó, anh cũng dành thời gian theo học lớp thú y để có thể tự mình kiểm tra, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi.

Hiện tại, trung bình mỗi năm, ông chủ trẻ này cho xuất chuồng khoảng 1.200 con lợn thịt, 9.000 con gà thịt, hàng vạn con gà giống, hàng chục vạn quả trứng sạch, cung ứng trên 100 tấn thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cho người dân trong vùng. Tận dụng nguồn phân bón, anh quy hoạch lại khu vườn, trồng hàng trăm gốc bưởi da xanh để phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh. Hiện tại, vườn bưởi đang phát triển tốt, dự kiến trong năm tới sẽ cho thu hoạch. Không dừng lại ở đó, tận dụng vùng đất hoang hóa trước ngõ, Đức vay thêm vốn, đào ao thả cá. Với diện tích khoảng 10.000 m2, hàng năm, anh cung ứng ra thị trường hàng vạn tấn cá sạch.

“Nguồn vốn ban đầu không lớn nên tôi phải làm từng bước một, lấy lãi chỗ này đầu tư vào chỗ kia và ngược lại. Sau khi thu lãi từ chăn nuôi lợn, gà, tôi mới dám đầu tư thêm hệ thống ao thả cá quy mô. Sau khi có nguồn thu nhập từ cá, tôi quay lại đầu tư chăn nuôi, mua thêm gần 400 gốc bưởi da xanh để quy hoach lại khu vườn”, anh Đức cho biết thêm.

Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, thất bại, nhanh nhạy, sáng tạo trong làm ăn, nắm bắt thị trường kịp thời, Trần Anh Đức đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương khô cằn, đầy nắng và gió. Mỗi năm, mô hình kinh tế VAC có quy mô gần 8 tỉ đồng này mang lại cho anh khoản lãi ròng lên đến 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 thanh niên nghèo quanh xóm, với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Đức còn khá năng nổ trong các phong trào Đoàn, Đội, các phong trào thanh niên tình nguyện và hoạt động thiện nguyện khác. Hằng năm, anh đều được tuyên dương là gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. “Không những làm giàu cho bản thân, anh Đức còn sẵn sàng giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên trong thôn phát triển kinh tế theo mô hình gia trại thông qua việc phổ biến kinh nghiệm và mời các đoàn viên, thanh niên đến tham quan, giải đáp tận tình các thắc mắc. Nhờ vậy, phần đông thanh niên trên địa bàn đều có ý chí vươn lên làm giàu từ mảnh đất nơi mình đang sinh sống”, anh Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Đoàn xã Thanh Thịnh chia sẻ.

Chia tay Trần Anh Đức, trong tôi vang lên câu hát “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Trên mảnh đất khô cằn, đầy nắng và gió, trong khi không ít thanh niên rời bỏ làng quê vào Nam làm thuê, làm mướn thì với ý chí, nghị lực của mình, anh đã, đang học tập và làm theo lời Bác dạy, nuôi dưỡng ước mơ, từng ngày, từng giờ thực hiện ước mơ được cống hiến tuổi trẻ, khẳng định bản thân trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Đức xứng đáng là 1 trong 2 thủ lĩnh đoàn của tỉnh Nghệ An vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng năm nay, là tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo.

Thái Thị Huỳnh

Các tin khác