(Congannghean.vn)-Xã hội hóa y tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quá trình triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới cần sớm thực hiện.
Đẩy mạnh xã hội hóa y tế góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân |
Ngày 6/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 813/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển công tác y tế theo hướng xã hội hóa nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”. Sau 1 năm thực hiện Đề án, công tác xã hội hóa y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả quan trọng cả về cơ sở vật chất lẫn việc cung cấp dịch vụ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 11 bệnh viện ngoài công lập, đứng thứ 3 cả nước. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các bệnh viện được đầu tư hiện đại, với nhiều dịch vụ đa dạng và chất lượng.
Trong năm 2017, các bệnh viện này đã đầu tư hơn 300 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và 72 tỉ đồng mua trang thiết bị; khám và điều trị cho trên 600 nghìn người bệnh, chiếm 11% số bệnh nhân toàn tỉnh. Ngoài 11 bệnh viện ngoài công lập, trên địa bàn tỉnh còn có 271 phòng khám chuyên khoa tư nhân và các loại hình khác. Tuy nhiên, các cơ sở y tế ngoài công lập lại phân bố không đều, có đến 9/11 bệnh viện đóng tại địa bàn TP Vinh, dẫn đến việc tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân khu vực miền núi, vùng cao còn gặp khó khăn.
Còn tại các đơn vị y tế công lập, công tác xã hội hóa y tế cũng ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22/35 đơn vị y tế công lập thực hiện xã hội hóa trang thiết bị y tế theo hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn, thuê thiết bị, đặt máy bán hóa chất... với tổng kinh phí hơn 70 tỉ đồng. Thực tế triển khai cho thấy, công tác xã hội hóa y tế đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm đầu tư công và tạo sự thuận lợi cho người bệnh.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, hiện, công tác xã hội hóa y tế đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là ở đơn vị công lập. Cụ thể, với các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn, thuê thiết bị, đặt máy bán hóa chất…, công tác xã hội hóa ở cơ sở công lập đang bộc lộ nhiều kẽ hở và bất cập. Nhiều đơn vị đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao, trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp nên có nhiều trường hợp các bác sĩ được khuyến khích tăng cường chỉ định các dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu cho đơn vị; hay xuất hiện tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa để “tận thu”, gây thiệt hại cho người bệnh. Bởi vậy, nhiều hình thức xã hội hóa đang đứng trước nguy cơ bị cơ quan BHXH không cho thanh toán hoặc bị Bộ Y tế yêu cầu dừng lại.
Tại cuộc họp cho ý kiến về 1 năm thực hiện Đề án Phát triển công tác y tế theo hướng xã hội hóa, Sở Y tế tỉnh đã đề xuất phương án huy động nguồn lực xã hội hóa bằng cách vay vốn các tổ chức tín dụng để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế. Mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương này. Trên thực tế, cách làm này đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện thành công. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Y tế tỉnh là cần nghiên cứu kỹ các nghị quyết, nghị định liên quan của Chính phủ và xem xét cách làm của các tỉnh Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh để lập đề án vay vốn. Theo đó, đề án cần khảo sát kỹ nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của các đơn vị, việc quản trị bệnh viện cũng như cơ chế phân cấp, phân quyền.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước đang hạn hẹp, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế được đánh giá là bước đi đúng đắn. Song, dù được thực hiện dưới hình thức nào thì việc đảm bảo quyền lợi của người dân trong khám, chữa bệnh cũng cần được đề cao trước nhất nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra cộng đồng có đủ trí lực, phục vụ đắc lực sự phát triển của tỉnh nhà.