Kinh tế xã hội
Cần thiết nhưng phải hài hòa lợi ích
(Congannghean.vn)-Trên địa bàn TX Thái Hòa hiện có 7 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 2; 5 chợ hạng 3 và 1 chợ tạm. Các chợ trên địa bàn được xây dựng từ những năm 1988 - 1989 và đều giao cho UBND thị trấn, xã (nay là UBND các xã, phường) trực tiếp quản lý.
Do thời gian xây dựng đã lâu, công tác quản lý yếu kém dẫn đến công trình trong chợ xuống cấp nghiêm trọng, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh môi trường; một số hộ dân lấn chiếm xây dựng công trình, tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông chợ là khá phổ biến, đường giao thông nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, quá trình vận hành, khai thác, công tác chuyển đổi từ thu phí, lệ phí từng giai đoạn (theo Quyết định 16/2015 và Quyết định 73/2016) của UBND tỉnh sang thực hiện thu giá dịch vụ còn lúng túng. Vì vậy, hiện mới triển khai được 2 chợ là chợ Hiếu và chợ Mới.
Các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hiếu, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa |
Theo ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND TX Thái Hòa, cùng những tồn tại trên, đa số các chợ trên địa bàn thị xã từ khi thành lập đến nay không thực hiện mở sổ theo dõi tài sản chợ, sổ nhật ký cải tạo, nâng cấp công trình trong chợ nên rất khó khăn trong công tác phân loại, định giá tài sản chợ. Một số chợ do quản lý yếu kém (của chính quyền xã, thị trấn trước đây) nên không rõ ràng, minh bạch về đầu tư, tài sản trên đất chợ; một số ki-ốt kinh doanh được chính quyền lúc bấy giờ cấp "Giấy chứng nhận sử dụng ki-ốt lâu dài" và tâm lý một số hộ tiểu thương hiểu rằng giấy chứng nhận này bao gồm cả đất đai... Có thể thấy, về cơ bản, đa phần các chợ trên địa bàn thị xã hoạt động hiệu quả còn thấp, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế thương mại của trung tâm vùng, khu vực Tây Bắc tỉnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại, dịch vụ, về quy hoạch xây dựng, sử dụng đất và công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy, TX Thái Hòa phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 2 chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn xã hội hóa; 100% chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, khai thác, kinh doanh. Trước nhu cầu đòi hỏi và thực tiễn hoạt động này, UBND TX Thái Hòa đã xin chủ trương chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn thị xã giai đoạn 2017 - 2020. Trước mắt chuyển đổi ít nhất 2 chợ kết hợp thu hút nhà đầu tư xây dựng chợ đảm bảo quy mô chợ hạng 1 và hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực, làm mô hình thí điểm để triển khai giai đoạn 2018 - 2020.
Để triển khai chủ trương này, thực hiện Quyết định số 72/2016/QĐ-UBND ngày 8/12/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, TX Thái Hòa đã tiến hành công tác phổ biến, tuyên truyền và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến các quy định về đầu tư, kinh doanh, phát triển và chuyển đổi mô hình trong hoạt động quản lý chợ do Sở Công thương tổ chức. Tiếp đến là tập trung công tác chỉ đạo, khảo sát hiện trạng, phục vụ triển khai xây dựng Kế hoạch chuyển đổi chợ.
Về vấn đề trên, UBND tỉnh cũng đã có cuộc họp và đi đến kết luận, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là một xu hướng tất yếu của sự phát triển, tuy nhiên, trước mắt cần tập trung chuyển đổi cơ chế quản lý và hình thức đầu tư của 1 chợ để rút kinh nghiệm triển khai tại các chợ còn lại. Trong quá trình thực hiện cũng cần có lộ trình và đề án cụ thể cho từng chợ. Trong đó, cần phải xây dựng kế hoạch một cách cụ thể để chuyển đổi các mô hình quản lý chợ có hiệu quả trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong người dân; tính toán để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư.
Ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND TX Thái Hòa cho biết thêm: Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh và ý kiến của các sở, ngành liên quan, TX Thái Hòa đã kiến nghị, đề xuất với Ban chỉ đạo chuyển đổi chợ của tỉnh là đối với các chợ áp dụng phương thức chuyển đổi "Chuyển đổi không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ" thì căn cứ tình hình thực tiễn cơ sở, UBND thị xã có thể áp dụng hình thức “giao thầu” hoặc “đấu thầu”. Thứ hai, để đảm bảo công tác thu hút đầu tư, địa phương đề xuất áp dụng linh hoạt phương thức chuyển đổi giai đoạn 1 "Chuyển đổi không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ" và giai đoạn 2 "Chuyển đổi gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ" một cách hỗn hợp theo lộ trình thời gian cụ thể để phù hợp thực tiễn cơ sở trong việc thực hiện Quyết định 73/2016, quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh và Quyết định 80/2016 của UBND tỉnh, quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh.
Xuân Thống