Kinh tế xã hội
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hồ, đập
(Congannghean.vn)-Trong tổng số hơn 600 hồ, đập hiện có trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều hồ, đập được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX, sức chứa lớn nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ rò rỉ, vỡ đập là rất lớn. Ngoài ra, việc không tuân thủ các quy trình vận hành, xả lũ mùa mưa bão cũng đã khiến vùng hạ du bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.
Dùng máy múc mở cửa xả tràn để cứu đập Trại Gà tại huyện Nghi Lộc |
Hệ lụy xả lũ, hiểm họa hồ, đập
Sáng 10/10, ứng phó với những diễn biến bất thường từ cơn bão số 10, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Bắc Nghệ An, đơn vị vận hành hồ Vực Mấu, TX Hoàng Mai đã mở 2 cửa xả tràn khiến nhiều phường, xã vùng hạ du của các huyện Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai bị ngập, giao thông bị tê liệt. Trước đó, năm 2013, hồ Vực Mấu đã từng mở các cửa tràn xả lũ gây nên trận lụt lịch sử, hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước, thiệt hại gần 800 tỉ đồng.
Cũng dịp này, cùng xả lũ còn có hồ sông Sào và các đập thủy điện, gồm Thủy điện Khe Bố, Thủy điện Châu Thắng, Bản Vẽ… cũng đồng loạt xả lũ. Hậu quả, mực nước tự nhiên tại các sông ngòi, hồ, đập ở các huyện hạ lưu sông Lam đã dâng cao cộng thêm việc xả lũ của các nhà máy thủy điện càng làm cho mực nước tăng lên nhanh chóng. Tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP Vinh đã có tình trạng ngập nặng, một số tuyến đê xung yếu, trong đó có đê sông Vinh bị đe dọa nghiêm trọng. Ngoài ra, tại huyện Quỳ Châu, việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Châu Thắng khiến một số xã như Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Hạnh và thị trấn Tân Lạc bị ngập nặng.
Thống kê cho thấy, Nghệ An hiện có 625 hồ đập lớn nhỏ, trong đợt mưa lũ đầu tháng 10 vừa qua, có 533 hồ đập đã đầy nước, nhiều hồ đang trong tình trạng hư hỏng, có nguy cơ đe dọa đến an toàn. Một số hồ đập ở huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai… có xảy ra hiện tượng sạt lở thân đập, hư hỏng, nguy cơ vỡ đập.
Vừa qua, tại đập Trại Gà ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, do dung tích nước chứa hơn 0,1 triệu m3, mưa lớn tràn qua thân đập nên đơn vị quản lý đã phải phối hợp với địa phương huy động lực lượng, phương tiện mở rộng tràn 5 m để xả lũ, tránh nguy cơ vỡ đập, thảm họa khôn lường. Các hồ có nguy cơ mất an toàn là những hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp như hồ Ba Khe, hồ Đá Hàn, huyện Nam Đàn; Hồ Đồn Húng, Kẻ Sặt, huyện Yên Thành. Một số hồ đập đã bị rò rỉ trong đợt mưa lũ vừa qua, phải vá xử lý là đập Đá Hàn và đập Khe Thị (Nghi Lộc).
Đảm bảo an ninh, an toàn hồ, đập
Hệ thống các hồ đập có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân sinh, kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp. Điểm chung là tất cả các hồ, đập này đều nằm ở vùng thượng lưu, hạ du đập có hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu sinh sống, hậu quả sẽ khôn lường nếu các hồ đập này mất an toàn, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Còn nhớ, năm 2013, tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, mưa lớn kéo dài khiến lưu lượng nước qua tràn của đập Khe Đá gây ngập lụt cho vùng hạ lưu đập, ảnh hưởng đến gần 250 hộ dân và trường học của xã này. Với từng đó dân cư sống trong vùng hạ lưu, nếu xảy ra vỡ đập, hậu quả sẽ rất khó lường.
Tương tự, đập Đồn Húng có dung tích trên 5,4 triệu m3 nước, tưới cho 380 ha và cấp nước sinh hoạt, phòng lũ cho nhân dân 4 xã Hùng Thành, Hậu Thành, Lăng Thành và Tiến Thành, huyện Yên Thành. Đại diện Công ty Thủy lợi Bắc cho biết, trong số 17 hồ chứa do đơn vị quản lý thì Đồn Húng là nguy hiểm nhất, có nguy cơ vỡ đập chính. Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa là lại phải canh cánh chuẩn bị các phương án cần thiết, bố trí tại chỗ máy móc, phương tiện cơ giới để sẵn sàng ứng cứu đập.
Trước tình trạng này, vừa qua, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 15 đoàn công tác, với sự tham gia của lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan để kiểm tra các hồ, đập, nghiên cứu, đưa ra các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ, đập trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nước dâng.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn các hồ, đập trên địa bàn trước nguy cơ mưa lớn, lũ quét, tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị quản lý hệ thống hồ, đập phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình xả lũ, thông báo cho người dân biết lịch trình xả lũ và những diễn biến phức tạp của các hồ, đập khi xảy ra mưa lũ để người dân biết và chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 19/10 vừa qua, tại Đắk Lắk, dưới sự chủ trì của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), đại diện lãnh đạo Công an 29 tỉnh, thành phố có các công trình hồ, đập dung tích lớn và có nguy cơ ảnh hưởng an ninh, an toàn hồ, đập và các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị chuyên đề "An ninh, an toàn hồ, đập và những vấn đề đặt ra đối với công tác an ninh", trong đó có Nghệ An tham dự. Hội nghị đã chỉ ra những yếu tố, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hồ, đập như: Thời gian xây dựng đã lâu, công tác quản lý kém, tác động của biến đổi khí hậu, thi công không đảm bảo chất lượng, tình trạng mất rừng tại các lưu vực hồ, đập.
Trên cơ sở đó, Tổng cục An ninh sẽ tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xác định, đánh giá các công trình hư hỏng để đưa vào danh mục cấp bách đầu tư sửa chữa, nâng cấp; rà soát, thẩm định các hồ, đập đưa vào danh mục công trình liên quan đến an ninh quốc gia; xây dựng và tổ chức diễn tập bảo vệ công trình hồ, đập, không để xảy ra phá hoại cũng như các hành vi xâm hại đến an ninh, an toàn hồ, đập.
Thiện Thành