Kinh tế xã hội
Vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước: Quyết liệt, đồng bộ
(Congannghean.vn)-Những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, tình trạng một bộ phận lao động ở nhiều địa phương và Nghệ An nói riêng cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài, trong đó đáng chú ý là Hàn Quốc đã trở thành vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, với những nỗ lực đồng bộ của các cơ quan liên quan, tin tưởng rằng, bức tranh về thị trường lao động tại nước ngoài của tỉnh nhà sẽ ghi nhận nhiều “mảng sáng” mới.
Lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài cần sớm về nước để đảm bảo quyền lợi của bản thân - Ảnh minh họa |
“Bài toán” khó
Trong số các quốc gia được đông đảo người lao động Nghệ An lựa chọn để làm việc, Hàn Quốc là một trong những thị trường tiềm năng.
Theo thống kê, tính đến đầu tháng 9/2017, tỉnh ta có hơn 4.600 người đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2005 (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc), trong đó có trên 2.100 người thuộc diện hết hạn hợp đồng lao động, không về nước, đang làm việc và cư trú bất hợp pháp, chiếm 45,65% số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, chi phí mà người lao động bỏ ra để được làm việc theo diện này chỉ chưa đến 600 USD - một mức giá khá “bình dân”. Bình quân mỗi năm, có từ 500 - 700 người xuất cảnh với mức lương từ 20 - 30 triệu đồng.
Đây cũng là yếu tố chính dẫn đến tình trạng một bộ phận lớn lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại đất nước này sau khi hết hạn hợp đồng. Đơn cử như các địa phương Nghi Lộc, TP Vinh, Cửa Lò... Thực tế này đã khiến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc tạm thời có dấu hiệu “đóng băng” khi vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH và phía Hàn Quốc đã thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động thuộc 11 huyện, thành phố, thị xã ở Nghệ An đi làm việc tại quốc gia này năm 2016.
Nhiều giải pháp “mạnh tay”
Thực trạng nói trên đã khiến Nghệ An trở thành địa phương đứng đầu về số lao động cư trú bất hợp pháp trong danh sách các địa phương bị ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2016, tỉ lệ người lao động chuyển chủ không lý do, sau khi hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp của Nghệ An là 43,18%, đứng thứ 15 cả nước. Hệ lụy này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh người lao động mà còn tác động tiêu cực đến công tác XKLĐ, giải quyết việc làm của tỉnh nhà, trực tiếp là quyền lợi chính đáng của người dân.
Trước những “mảng tối” trong bức tranh về thị trường lao động tại Hàn Quốc, các cơ quan chức năng liên quan, trong đó chủ công là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có nhiều động thái tích cực, đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng trên, từ đó làm cơ sở đề nghị Bộ LĐ-TB&XH dỡ bở việc tạm dừng tuyển chọn lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2017.
Theo đó, Sở đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền tại các huyện có nhiều lao động bất hợp pháp nhất; tham mưu UBND tỉnh ban hành 6 văn bản chỉ đạo, đồng thời trực tiếp ban hành 12 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước. Tuy nhiên, những biện pháp này không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trước thực tế trên, nhận thức rõ tầm quan trọng của sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và người lao động, sáng 15/8 vừa qua, Sở đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước, với sự tham gia của lãnh đạo các huyện, thành, thị, xã, phường; các trưởng phòng LĐ-TB&XH; đại diện gia đình có lao động bất hợp pháp; lao động đã được kiểm tra, đủ điều kiện nhưng chưa xuất cảnh.
Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để giảm thiểu tình trạng nan giải nói trên, sắp tới sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động XKLĐ, đặc biệt là hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; đồng thời, đề nghị bổ sung chế tài, làm rõ quy định về những gia đình có thân nhân cư trú bất hợp pháp, người tiếp theo không được đi. Về phía chính quyền địa phương, các phường, xã cần tiến hành niêm yết danh sách, công khai tên tuổi các lao động bất hợp pháp tại các trụ sở, nhà văn hóa khối, xóm, thôn, bản.... Nếu biện pháp này không hiệu quả, cần tiếp tục thông báo trên loa phát thanh của địa phương, tiến hành ký cam kết, đồng thời đưa vào tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa.
Với những động thái đồng bộ và quyết liệt trên, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, tình trạng lao động Nghệ An cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực XKLĐ cũng ghi nhận nhiều “mảng sáng”, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Hồng Hạnh