(Congannghean.vn)-Cụm công nghiệp (CCN) có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Do đó, cùng với việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tập trung và các khu kinh tế trên địa bàn, tỉnh đã quan tâm, quy hoạch đầu tư phát triển các CCN, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, quá trình phát triển chưa khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển bền vững cần được đầu tư đồng bộ.
Công nhân may mặc làm việc trong nhà máy tại Cụm công nghiệp Nam Giang (Nam Đàn) |
Từ những năm 2000, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các CCN như ở Đông Vĩnh (TP Vinh), Diễn Hồng (Diễn Châu), Thung Khuộc (Quỳ Hợp)…, thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp CCN đã góp phần quan trọng trong khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương về lao động, sản phẩm sau thu hoạch từ sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản; các tiềm tăng chưa khai thác từ đất đai, tài nguyên khoáng sản... Đặc biệt là thu hút một lượng lớn lao động nông thôn vào làm việc, gắn với mục tiêu “ly nông nhưng không ly hương”. Cùng với đó, sự phát triển của CCN đã thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình phát triển CCN nói chung và hạ tầng kỹ thuật CCN nói riêng chưa khai thác tiềm năng, lợi thế do công tác quy hoạch còn thiếu khoa học, hạ tầng thiếu đồng bộ, tác động xấu về môi trường, an toàn giao thông; chưa chú trọng việc quy hoạch CCN với quy hoạch khu dân cư; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, chưa tháo gỡ kịp thời, nhất là trên lĩnh vực thuê đất, hợp đồng sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; việc huy động vốn từ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp CCN ít; nhất là còn lúng túng trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý khai thác sau đầu tư.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu xây dựng Nghệ An là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo như mục tiêu đề ra, cần thiết phải phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và hạ tầng các CCN đồng bộ, hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển công nghiệp nông thôn, đảm bảo phát triển công nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch đã xác định.
Theo đó, tỉnh quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020 phát triển 50 CCN, tổng diện tích theo quy hoạch 1.089,7 ha. Đến nay, có 39 CCN đã triển khai thực hiện theo quy hoạch, gồm phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; lập phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng; thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp vào CCN. Có 231 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN (186 doanh nghiệp hoạt động trong các CCN đã có đầu tư hạ tầng kỹ thuật) trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 4 doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn, đầu tư vào các CCN Nam Giang (Nam Đàn), Lạc Sơn (Đô Lương), Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu), thị trấn Yên Thành (Yên Thành); lĩnh vực đầu tư may mặc, đã thu hút một lượng lớn lao động tại các địa phương. Loại hình doanh nghiệp còn lại là đầu tư trong nước với quy mô nhỏ và vừa.
Nhìn chung, các CCN đã tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá ở các huyện, thành phố, thị xã; đồng thời, tạo điều kiện và góp phần quan trọng trong khai thác có hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực sẵn có của từng địa phương, nhất là sử dụng lao động nông thôn. Quá trình hình thành phát triển các CCN đã thúc đẩy phát triển công nghiệp, TTCN của địa phương, khai thác tiềm năng và lợi thế của từng vùng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Để đảm bảo công nghiệp phát triển đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, mục tiêu phát triển CCN như sau: Tập trung kêu gọi đầu tư, ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng đảm bảo đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu thu hút các dự án đầu tư vào CCN. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút đầu tư lấp đầy các CCN: Nghĩa Mỹ, Trường Thạch, Nam Giang, Lạc Sơn, Nghĩa Hoàn, thị trấn Yên Thành, Nghĩa Long (mở rộng), Thọ Sơn I, Thọ Sơn II. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu để đảm bảo thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các CCN Hưng Đông (TP Vinh), Thượng Sơn (Đô Lương), Tràng Kè (Yên Thành), Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu), Na Khứu (Quế Phong). Đảm bảo đến năm 2020, số cơ sở sản xuất trong các CCN đạt từ 250 - 300 doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN đạt 5.000 tỉ đồng, bằng 10% giá trị công nghiệp toàn tỉnh; lực lượng lao động trong các CCN đạt từ 18.000 - 19.000 người; đóng góp ngân sách từ các doanh nghiệp CCN đạt 500 tỉ đồng.
Giải pháp để phát triển CCN trong thời gian tới sẽ tập trung hạ tầng ngoài CCN về giao thông, điện; còn hạ tầng kỹ thuật trong CCN ưu tiên cho công tác đền bù đất, giải phóng mặt bằng, xử lý môi trường trong các CCN; hạ tầng môi trường đầu tư hoàn chỉnh hạng mục công trình hệ thống thoát nước thải và khu xử lý ở CCN Nghĩa Long, đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN Thung Khuộc, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Hưng Đông (TP Vinh). Để thực hiện nhiệm vụ trên, các giải pháp sẽ được tập trung giải quyết đó là quy hoạch, đa dạng hoá hình thức đầu tư hạ tầng CCN, vốn đầu tư; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN; đảm bảo các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp lấp đầy CCN; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về CCN.