Kinh tế xã hội
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và theo dõi diễn biến phức tạp của thời tiết
(Congannghean.vn)-Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 1 giờ ngày 9/10 đến 13 giờ ngày 11/10 phổ biến từ 150 mm đến 350 mm. Cụ thể một số nơi như Vinh 341 mm, Thanh Chương 369 mm, Quỳnh Lưu 393 mm, Con Cuông 151 mm, Nghĩa Đàn 200 mm, Nam Đàn 329 mm, Quỳ Hợp 177 mm.
Lực lượng Công an ngâm mình trong nước sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ngập nặng - Ảnh: Xuân Bắc |
Tính đến 16 giờ ngày 11/10, mưa lũ đã làm 8 người chết, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tỉnh Nghệ An đã ban hành 4 công điện (trong đó, 3 của UBND tỉnh và 1 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để chỉ đạo, đối phó và khắc phục áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện, thành phố, thị xã theo chức năng được phân công xuống các cơ sở để chỉ đạo; đồng thời, các lực lượng vũ trang như Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh duy trì lực lượng để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân và đảm bảo ANTT.
Theo tổng hợp của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong thời gian trước áp thấp nhiệt đới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền địa phương ven biển và các đơn vị liên quan kêu gọi 3.912 phương tiện/18.523 lao động đánh bắt hải sản trên biển về nơi tránh trú an toàn; (không có tai nạn về tàu thuyền xảy ra).
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Tương Dương, Nam Đàn di dời được 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt (huyện Quỳnh Lưu: 35 hộ dân/132 người; huyện Anh Sơn: 20 hộ dân/82 người, huyện Tương Dương: 2 hộ dân/7 người; huyện Nam Đàn: 1 hộ dân/5 người; huyện Nghĩa Đàn: 96 hộ dân/374 người). Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã thu hoạch được 27.528,3/36.228,3 ha (đạt 76,0%) lúa mùa; diện tích nuôi trồng thủy sản: 21.258 ha; đã thu hoạch được 3.256 ha và gần 700 lồng nuôi cá trên sông, hồ đập mặt nước lớn.
Tỉnh Nghệ An có 625 hồ đập lớn nhỏ, trong đó địa phương quản lý 533 hồ; đến nay tất cả các hồ đã đầy. Đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 0,1 triệu m3, địa phương quản lý) mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5 m để xả lũ đảm bảo an toàn đập; xử lý thấm đập Đá Hàn, huyện Nam Đàn. Riêng đối với 2 hồ lớn là Vực Mấu và Sông Sào cũng đã xả 2 cửa. Các hồ có nguy cơ mất an toàn là những hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp. Đặc biệt là một số hồ như: Ba Khe, Đá Hàn huyện Nam Đàn; Đồn Húng, Kẻ Sặt huyện Yên Thành... Các công trình hồ chứa thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Châu Thắng đang tiến hành xả; còn các nhà máy thủy điện nhỏ đang vận hành bình thường. Các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực để thông báo cho các địa phương chủ động phòng tránh lũ.
Lực lượng Cảnh sát Trật tự giúp người dân di chuyển phương tiện qua vùng ngập lụt - Ảnh: Xuân Bắc |
Đối với tình hình giao thông trên tuyến, theo Sở GTVT, đến 14 giờ ngày 11/10/2017, mưa lũ đã gây ngập úng QL15A, QL48B, QL48E. Mưa lũ cũng đã gây sạt lở nhiều taluy dương ở QL15A, QL16, QL48, QL48B, QL48D; các taluy âm ở QL16, QL48, QL48E. Ngoài ra, tuyến đường tỉnh cũng đã gây ngập úng nhiều tuyến như ĐT531 Quỳ Hợp; ĐT534 ở Anh Sơn, Tân Kỳ; ĐT538 ở Yên Thành và ĐT544 ở Quỳ Châu; sạt taluy dương ở ĐT532, ĐT543, ĐT538, ĐT531… Về cầu cống, hư hỏng 2 cống trên ĐT542 Km12+450 và Km 12+500, gây xói lở hạ lưu cống, tường đầu, tường cánh, một số đốt bị cuốn trôi.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các đơn vị quản lý, BDTX phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương xử lý, đảm bảo giao thông bước I tại các vị trí sạt lở, tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn tại các vị trí trên; đồng thời tiếp tục theo dõi trên các tuyến để có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.
Theo báo cáo nhanh của 20/21 huyện, thành phố, thị xã, mưa lũ đã làm chết 8 người của các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Đô Lương, Nam Đàn và TX Hoàng Mai; 34 nhà bị sạt lở, hư hỏng với 999 hộ dân bị ngập nước (trong đó, Nghĩa Đàn: 97; Quỳnh Lưu: 445, Quỳ Hợp 171, Thái Hòa: 163, Quỳ Châu: 42, Tân Kỳ: 41, Thanh Chương: 15, Anh Sơn: 20, Tương Dương: 2, Hoàng Mai: 2, Nam Đàn: 1). Ngoài ra, mưa lũ đã gây sạt lở núi Rậm, xã Hưng Yên Nam và núi Nhón, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên; đường giao thông địa phương bị sạt lở 812 m; 14 cầu loại nhỏ, cầu tràn, cầu tạm bị hư hỏng, sạt lở và 140 cống giao thông nội đồng bị hư hỏng; làm 19 cột điện bị đổ gãy.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ ngày 12 - 20/10, do chịu ảnh hưởng của rìa Đông Bắc vùng áp thấp nhiệt đới kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến rất to; lũ trên các hệ thống sông khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục lên cao.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các Công ty thủy lợi, Thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 72/CĐ-TW ngày 8/10, số 73/CĐ-TW ngày 9/10 và số 77 ngày 11/10 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Công điện 17/CĐ.UBND ngày 9/10/2017, Công điện 19 ngày 10/10 của UBND tỉnh. Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, gia đình chính sách, neo đơn.
Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích; huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, thu dọn cây cối, xử lý vệ sinh môi trường; khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp; triển khai đánh giá, thống kê thiệt hại để chủ động hỗ trợ và khắc phục hậu quả và báo cáo với các cơ quan chức năng liên quan; sửa chữa các công trình bị hư hỏng như: công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để sớm ổn định đời sống cho nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi trên địa bàn để vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu, cống tiêu, kênh tiêu để tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị, khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp; đồng thời tiếp tục triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn; nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ lụt.
Riêng các công ty thủy điện, thủy lợi, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết mưa lũ hoàn lưu sau áp thấp để chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi và liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn cho hạ du và an toàn công trình.
UBND tỉnh cũng yêu cầu, các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công thương, Điện lực Nghệ An và các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình, tập trung đảm bảo an toàn giao thông; đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt; chỉ đạo bơm tiêu úng kịp thời. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ theo dõi sát tình hình thời tiết, mưa lũ, thông tin kịp thời để nhân dân biết và phòng tránh. Các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền về khắc phục hậu quả mưa lũ. Đặc biệt, thường trực 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo kết quả khắc phục thiệt hại do mưa lũ về UBND tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh biết để kịp thời xử lý.
Xuân Thống