(Congannghean.vn)-Vấn nạn kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trước thực tế này, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An tiếp tục “mạnh tay” kiểm tra, xử lý nhằm ổn định thị trường trong dịp cuối năm.
Trạm CSGT Diễn Châu bàn giao lô hàng điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ cho Đội cơ động Chi cục QLTT tỉnh |
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái là một trong những vấn nạn đối với toàn xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nạn hàng giả, hàng nhái mang lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng và giảm uy tín của nhà sản xuất. Thực tế, ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi mà thị trường tiêu thụ còn thiếu thông tin, là những nơi có tỉ lệ hàng giả và hàng nhái xuất hiện tương đối nhiều.
Không chỉ riêng vùng miền núi, tại các vùng nông thôn, hàng giả, hàng nhái cũng đã xâm nhập. Không ít quán tạp hóa do ham lợi đã nhập những sản phẩm giả, nhái không rõ nguồn gốc với giá rẻ rồi bán lại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện nay, tại các vùng nông thôn nhiều người dân do thiếu thông tin nên còn rất bối rối trong việc phân biệt giữa hàng thật, hàng giả và hàng nhái.
Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các phiên chợ hàng Việt...
Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục QLTT tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường; cử các đội QLTT trực thuộc bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động nắm diễn biến thị trường, dự báo tình hình; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng tích cực phối hợp với các ngành Công an, Khoa học và Công nghệ, Kiểm lâm, Y tế để thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành, ra quân trong các đợt cao điểm.
Từ những giải pháp cụ thể trên, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ vi phạm về gian lận thương mại đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra 6.384 vụ, xử phạt vi phạm 5.305 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 9 tỉ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 5,6 tỉ đồng, tịch thu, tiêu hủy số hàng hóa trị giá 3,3 tỉ đồng.
Điển hình, ngày 24/5, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Quỳnh Lưu tiến hành dừng xe ôtô tải BKS 76C-085.87 do ông Võ Thanh Phước trú tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển 11.000 con gà, vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đội đã tiến hành lập biên bản và chuyển toàn bộ tang vật vi phạm cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Lưu xử lý theo quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, ngày 15/8, nhận được tin báo từ cơ sở, tại khối 1, phường Hồng Sơn, TP Vinh, Đội QLTT Cơ động kiểm tra xe ôtô tải BKS 49C-028.42 do lái xe Nguyễn Phạm Nhật Toàn trú tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng điều khiển. Qua đó, phát hiện trên xe vận chuyển 385 kg chân giò bò rút xương không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trị giá lô hàng khoảng 57.750.000 đồng. Đội đã tiến hành lập biên bản, tịch thu và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm nói trên theo quy định của pháp luật.
Nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại, đặc biệt trong những tháng cuối năm, các ngành chức năng tăng cường tối đa lực lượng, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nắm chắc địa bàn, nhất là các chợ vùng sâu, vùng xa, quản lý chặt chẽ các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối tập trung nguồn hàng…
Có thể nói, với những nỗ lực đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại của các lực lượng chức năng đã góp phần không nhỏ trong việc lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh thương mại, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để làm tốt công tác chống các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành chức năng và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của mọi người dân.