Kinh tế xã hội

Sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Xử lý quyết liệt, nghiêm minh

17:12, 06/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là “vấn nạn” của không một địa phương nào. Vì lợi nhuận, vì lợi ích bản thân trước mắt, nhiều đối tượng đã bất chấp và có những hành vi gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, nòi giống.

Thời gian gần đây, mặc dù lực lượng Công an  đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là vật tư nông nghiệp, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, gây tâm lý hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân.

Việc xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là cách bảo vệ quyền lợi các hộ chăn nuôi (Trong ảnh: Người dân thu hoạch cá được nuôi theo phương pháp hữu cơ, an toàn với người dân)
Việc xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là cách bảo vệ quyền lợi các hộ chăn nuôi (Trong ảnh: Người dân thu hoạch cá được nuôi theo phương pháp hữu cơ, an toàn với người dân)

Các vi phạm chủ yếu là: Sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục, lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Điều đáng nói, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như salbutamol, vàng ô… tuy cơ bản được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn ra tại một số địa phương.

Nguyên nhân chính là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò của an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đầy đủ, không có ý thức hết lòng vì sức khỏe cộng đồng; lực lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước còn hạn chế, không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, làm chưa hết trách nhiệm, thậm chí vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; năng lực quản lý Nhà nước còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt.

Theo số liệu báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 52 tỉnh, thành phố, thời gian qua đã kiểm tra, phát hiện 1.483 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; 30 công ty vi phạm về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Còn theo thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, mỗi năm Nhà nước thất thu khoảng 60.000 tỉ đồng do phân bón giả, kém chất lượng gây ra.

Tại Nghệ An, trong thời gian qua, mặc dù tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là vật tư nông nghiệp, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kìm giữ và đang ở mức thấp so với toàn quốc nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Theo thống kê, năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1 vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục được phép lưu hành, 1 vụ buôn bán vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, thu 12 tấn thức ăn chăn nuôi, 6.500 vỏ bao bì, 43 gói thuốc kích thích tăng trưởng thực vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 58 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, 1 trường hợp vi phạm về quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi.

Với hàng nghìn chủng loại phân bón lưu thông trên thị trường hiện nay, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, thương nhân sản xuất trá hình tinh vi hơn đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Trên thực tế, bằng mắt thường thì không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, kém chất lượng, dùng xong, hậu quả mất mùa nông dân mới biết. Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm phân bón được sản xuất trong nước nhưng lại được gắn mác nước ngoài, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có phụ đề bằng tiếng Việt... Trong khi quá trình kiểm tra, kiểm soát đối với lĩnh vực phân bón hiện nay còn cho thấy có rất nhiều bất cập. Cộng với mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng có điều kiện hoạt động.

Hiện nay, xử phạt các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã nghiêm khắc và chặt chẽ hơn. Theo các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/7/2016, khung hình phạt tối đa cho tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù tới 20 năm.

Tuy vậy, công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Một số ý kiến cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi chân chính, đối với những hộ bị phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngoài việc phạt tiền theo quy định của Nhà nước, cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn. Như đối với những trang trại chăn nuôi lợn khi bị phát hiện sử dụng chất cấm, cơ quan thú y cần tạm ngưng việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất chuồng đối với đàn lợn của trang trại đó trong một thời gian, như vậy, mới tạo sức răn đe.

Chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi sát sao, phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán giống, phân bón vật tư nông nghiệp kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Tuệ Trang

Các tin khác