Kinh tế xã hội
Nhiều bất cập tại 'khu đất vàng'
(Congannghean.vn)-Không chỉ xuống cấp, xập xệ, gây mất mĩ quan đô thị, làm xấu diện mạo của TP Vinh năng động và trẻ trung, sự nhếch nhác của khu chợ đã tồn tại suốt 20 năm qua còn thể hiện nhiều bất cập trong quá trình vận hành, quản lý của chính quyền địa phương.
Đất vàng, chợ tạm
Chợ Quán Lau tọa lạc ở vị trí đắc địa của TP Vinh, được ví là “mặt tiền” của TP Vinh nói riêng và của tỉnh nhà nói chung, khi tiếp giáp với Quảng trường Hồ Chí Minh và trụ sở UBND tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, do xây dựng đã lâu, quá trình đầu tư không xứng tầm nên đến nay, chợ đã xập xệ, xuống cấp, nhếch nhác, thậm chí thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Nhiều du khách và nhà đầu tư khi đến Nghệ An đã rất ngạc nhiên trước địa thế vừa sinh lợi, vừa tạo được điểm nhấn về mỹ quan đô thị như khu vực chợ Quán Lau nhưng lại không được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện. Thực tế, từ trước đến nay cũng đã có một số doanh nghiệp, tập đoàn có ý định khảo sát, xây dựng nơi đây trở thành trung tâm thương mại, song gặp không ít vướng mắc nên đã bỏ cuộc.
Mặt tiền chợ Quán Lau nhìn từ hướng Quảng trường Hồ Chí Minh |
Chợ Quán Lau được xây dựng từ năm 1997, có tổng diện tích khoảng hơn 4.000 m2, trong đó diện tích vị trí kinh doanh là 2.115,8 m2. Ngày 8/4/1995, UBND tỉnh có Quyết định 753/QĐ-UBND, về việc cho phép lựa chọn địa điểm xây dựng và Quyết định 2636/QĐ-UBND ngày 9/10/1995 phê duyệt dự án đầu tư chợ Quán Lau, do UBND phường Trường Thi làm chủ đầu tư. Theo hồ sơ của UBND phường, công trình chợ Quán Lau có tổng giá trị khoảng 3,3 tỉ đồng, trong đó giá trị công trình xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 1998 là gần 2,5 tỉ đồng. Từ năm 2007 đến nay, chợ đã qua 4 lần sửa chữa các công trình gồm đình chính, đình phụ, hệ thống điện và thiết bị PCCC với số tiền trên 1 tỉ đồng.
Theo Quyết định số 271/QĐ-UBND ngày 28/6/1997 của UBND TP Vinh, ban hành quy chế quy định về việc góp vốn tự nguyện của các hộ kinh doanh để xây dựng chợ Quán Lau, thì tổng số tiền huy động của các hộ kinh doanh thời điểm lúc bấy giờ là hơn 747 triệu đồng, bao gồm 5 ki-ốt trúng đấu giá thời hạn 10 năm, số tiền xấp xỉ 384 triệu đồng và 82 ki-ốt không qua đấu giá với số tiền 353 triệu đồng. Chợ bao gồm 1 đình chính, đình phụ (kết cấu khung nhà thép, mái lợp prô-xi-măng), khu vực chợ trời (khung bằng sắt và tre, mái lợp prô-xi-măng, bạt và các vật liệu dễ cháy), 29 ki-ốt nằm trên mặt đường Hồ Tùng Mậu và đường Nguyễn Trung Ngạn, khu vực ban quản lý và điểm gửi xe. Hiện nay, có tất cả 334 ki-ốt kinh doanh, trong số này có 29 ki-ốt kinh doanh cố định, 228 ki-ốt kinh doanh trong đình và 87 lều bạt kiên cố.
Trong suốt 20 năm qua, chợ Quán Lau vận hành, hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất như vậy. Theo năm tháng, nhiều hạng mục đã xuống cấp, bên trong đình chính hạ tầng xập xệ đe dọa tiểu thương, bên ngoài bán buôn tràn ra cả vỉa hè, lòng, lề đường gây mất mĩ quan đô thị và trật tự ATGT, đặc biệt là trên tuyến đường Nguyễn Trung Ngạn và vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu. Thậm chí, nơi đây cũng đã từng xảy ra cháy chợ, gây thiệt hại nặng nề cho các tiểu thương.
Bất cập trong quản lý, khai thác
Về việc khai thác, vận hành và quản lý chợ Quán Lau, ngày 29/12/2015, UBND phường Trường Thi đã ban hành Quyết định 214/QĐ-UBND, thành lập và công nhận tổ quản lý chợ Quán Lau, gồm 5 thành viên, do ông Phạm Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường làm Tổ trưởng. Theo các Quyết định 271/QĐ-UBND và Quyết định 423/QĐ-UBND năm 1997 của UBND TP Vinh, về ban hành quy chế góp vốn tự nguyện và quy chế đấu giá thì các hộ tiểu thương được sắp xếp kinh doanh tại chợ Quán Lau sẽ được miễn tiền thuê địa điểm trong thời gian 3 năm đầu và các hộ trúng đấu giá sẽ được miễn số tiền này trong 10 năm, tính từ ngày các quyết định trên có hiệu lực. Hết thời hạn nêu trên, nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh thì ký hợp đồng với Ban quản lý chợ, nếu không có nhu cầu thì có quyền chuyển nhượng cho người khác.
Với những chính sách ưu đãi như vậy nên trong suốt thời gian dài, mặc dù nằm ở vị trí sinh lợi, “đất vàng” nhưng mức đóng góp vào ngân sách mà chợ Trường Thi mang lại hầu như không đáng là bao. Thậm chí, qua các lần kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng còn nhận thấy Ban quản lý chợ Quán Lau còn để xảy ra các sai sót liên quan đến vấn đề tài chính.
Sự xập xệ của chợ Quán Lau đang làm xấu xí hình ảnh đô thị Vinh |
Đơn cử, theo báo cáo thu chi tính từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/7/2017, tổng doanh thu theo danh sách hàng tháng đạt 87,5 triệu đồng (dự kiến cả năm khoảng 1,05 tỉ đồng). Riêng 7 tháng đầu năm đạt 612,5 triệu đồng, số tiền chi tiêu hết 659 triệu đồng. Trong đó, nộp ngân sách phường đạt 172,8 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác của UBND TP Vinh phát hiện số tiền thực thu và thực chi của Ban quản lý chợ Quán Lau có sự “vênh” nhất định, khi thu về số tiền 770,3 triệu đồng và chi tiêu hết 625,5 triệu đồng, sau khi khấu trừ các khoản chi, bao gồm cả chi trả tiền vệ sinh môi trường, trả lương và các thù lao khác, số tiền chênh lệch phải truy thu để nộp ngân sách phường là hơn 33,5 triệu đồng.
Ngoài ra, trong tổng số 344 quầy và ki-ốt kinh doanh hiện nay, UBND phường Trường Thi chỉ quản lý được 82 biên bản bàn giao, tiếp nhận các ki-ốt và 5 biên bản đấu giá phôtô, không có chữ ký. Liên quan đến vấn đề này, chợ Quán Lau hiện đang có 25 trong tổng số 344 ki-ốt đang để trống, chưa sử dụng theo danh sách lập để thu giá dịch vụ của UBND phường Trường Thi.
Ông Thái Văn Hùng, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Vinh cho biết, liên quan đến công tác quản lý thu chi của UBND phường Trường Thi tại chợ Quán Lau, tồn tại một số vấn đề như chưa lập dự toán thu chi để trình UBND TP Vinh thẩm định, phê duyệt; chưa thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải đối với các hộ kinh doanh theo Quyết định 74/2016 của UBND tỉnh. Mặc dù vậy, 7 tháng đầu năm 2017, vẫn thu tiền bảo vệ các ki-ốt, với mức 38.000 đồng/tháng. Về nguyên tắc, muốn thực hiện như vậy phải có thỏa thuận bằng văn bản đối với các hộ kinh doanh. Quá trình thu phí dịch vụ, cũng chưa xuất hóa đơn đầy đủ theo quy định. Thậm chí, vé giữ xe và vé thu vãng lai đối với hàng rong, đến nay Ban quản lý chợ Quán Lau cũng không làm việc với cơ quan Thuế để đặt in vé theo quy định. Liên quan đến các khoản thu chi, UBND phường Trường Thi chưa theo dõi và phản ánh đầy đủ vào tài khoản kế toán theo quy định.
Về quy hoạch, theo báo cáo của UBND phường Trường Thi và Phòng Quản lý Đô thị TP Vinh, đến thời điểm hiện nay, chợ Quán Lau chưa được lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Qua khảo sát thực tế, UBND TP Vinh nhận thấy công tác PCCC chưa đảm bảo, việc đầu tư xây dựng nhỏ lẻ, chưa đảm bảo. Mặt khác, theo điều chỉnh Quy hoạch chung của TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì khu vực chợ Quán Lau được quy hoạch là đất công cộng. Với những bất cập từ thực tiễn 20 năm vận hành và yêu cầu thực tiễn của công tác phát triển, chỉnh trang đô thị trong xu thế hiện nay, “khu đất vàng” chợ Quán Lau đang rải thảm đỏ chào đón nhà đầu tư đủ tâm và tầm vào đầu tư, xây dựng, biến nơi đây trở thành diện mạo mới cho TP Vinh cũng như cho tỉnh nhà trong thời gian sớm nhất.
Thiện Thành