Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201710/khai-thac-hai-san-xa-bo-hieu-qua-kep-tu-chinh-sach-ho-tro-ngu-dan-762415/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201710/khai-thac-hai-san-xa-bo-hieu-qua-kep-tu-chinh-sach-ho-tro-ngu-dan-762415/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hiệu quả kép từ chính sách hỗ trợ ngư dân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 17/10/2017, 14:30 [GMT+7]
Khai thác hải sản xa bờ

Hiệu quả kép từ chính sách hỗ trợ ngư dân

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, Nghệ An đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, với việc ban hành nhiều chính sách cho vay để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Qua đó, góp phần phát triển bền vững nghề cá và bảo vệ phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân sẽ được hưởng chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng thủy sản
Ngư dân sẽ được hưởng chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng thủy sản

Thực hiện Quyết định 48 ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5694 ngày 16/11/2016  về việc phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ.

Theo đó, năm 2016, có 33 chủ tàu được hỗ trợ, với kinh phí là 8 tỉ 299 triệu đồng. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 còn hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu… Đến hết năm 2016, Chi cục Thủy sản đã thanh toán cho các chủ tàu 8 tỉ 271 triệu đồng. Việc thanh toán kịp thời các khoản hỗ trợ là động lực để các chủ tàu yên tâm vươn khơi và đầu tư thêm tàu lớn để khai thác ở các vùng biển xa.

Ý thức rõ lợi ích kép của đánh bắt xa bờ trong việc tham gia khai thác nguồn lợi thủy, hải sản và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hoạt động này đang ngày càng nhận được sự hưởng ứng của nhiều ngư dân tỉnh nhà. Điều này được thể hiện qua thống kê của Chi cục Thủy sản: Năm 2015, chỉ có 1 tàu đăng ký đánh bắt vùng biển xa thì đến năm 2017, số tàu đăng ký đã lên tới 220 tàu. Các tàu này nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với mức hỗ trợ từ 22 - 100 triệu đồng/năm, tùy theo công suất tàu; trong đó bình quân 70 triệu đồng tiền dầu/chuyến.

Cùng với Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai là địa phương đứng đầu về số lượng ngư dân đăng ký đánh bắt ở vùng biển xa. Hiện nay, toàn thị xã có trên 60 phương tiện đăng ký khai thác ngư trường Hoàng Sa. Với mỗi chuyến đánh bắt, mỗi phương tiện sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng tiền dầu. Trong quá trình vươn khơi bám biển, các ngư dân không hoạt động riêng lẻ mà có nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phòng tránh, kịp thời xử lý rủi ro cũng như nâng cao năng suất khai thác. Đơn cử như các tổ, đội tàu đi Hoàng Sa, gồm: Tổ nghề chụp 4 sào, tổ đàm của ngư dân Quỳnh Lập…

Cùng với các khoản hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm cho tàu và ngư dân…, thời gian qua, chính sách cho vay phục vụ khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. 9 tháng đầu năm, dư nợ cho vay phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 22/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn Nghệ An tăng trưởng mạnh. Đến nay, chương trình cho vay này ước đạt 615 tỉ đồng, tăng 60% so với đầu năm.

Con số thống kê trên là minh chứng cho thấy hiệu quả rõ rệt mà các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ mang lại. Đó cũng là động lực khuyến khích họ mạnh dạn vươn tới những ngư trường mới để mang về nguồn thu lớn, đồng thời tăng sự hiện diện của người dân Việt Nam trên các vùng biển của Tổ quốc. Trên những hải trình xa xôi, ở nơi đầu sóng ngọn gió, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới chính là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền, lãnh hải máu thịt của đất nước.

Sự tiếp sức của Đảng và Nhà nước trong hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng thể hiện tính toàn diện khi vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng nông sản và thủy sản. Cụ thể, đối với thủy sản, giảm tổn thất cả về số lượng và chất lượng từ 20 - 30% như hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2020. Các chính sách hỗ trợ bảo quản sản phẩm trên tàu cá nhằm giảm tổn thất cũng đã được đề ra, tùy vào từng loại nghề, kích cỡ tàu cần có công nghệ bảo quản phù hợp.

Không thể phủ nhận hiệu quả to lớn mà các chính sách hỗ trợ người dân tham gia đánh bắt xa bờ của Đảng, Nhà nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng mang lại. Hy vọng rằng, thời gian tới, sự tiếp sức đó sẽ tạo được sức lan tỏa sâu rộng, để mỗi ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương cũng như bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

.

Hồng Hạnh

.