Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201709/huyen-hung-nguyen-tinh-nghe-an-lang-phi-cong-trinh-nuoc-sach-tien-ti-tien-hau-bat-nhat-755741/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201709/huyen-hung-nguyen-tinh-nghe-an-lang-phi-cong-trinh-nuoc-sach-tien-ti-tien-hau-bat-nhat-755741/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lãng phí công trình nước sạch tiền tỉ: 'Tiền hậu bất nhất'? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 05/09/2017, 15:28 [GMT+7]
Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Lãng phí công trình nước sạch tiền tỉ: 'Tiền hậu bất nhất'?

(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An ngày 30/8/2017 đăng bài “Hưng Nguyên: Lãng phí công trình nước sạch tiền tỉ”, phản ánh về quá trình triển khai công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt tại xã Hưng Thông nằm trong Dự án quần thể Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên bị chậm tiến độ và bộc lộ xuống cấp khiến người dân chưa được sử dụng lợi ích từ Dự án. Đáng chú ý, bài viết đề cập đến việc chủ đầu tư cho rằng, nếu hoàn thành khối lượng theo phê duyệt thi công thì người dân cũng chưa được sử dụng do chưa có hệ thống đường ống cấp 3 nối đến người dân.

 Mặc dù theo phê duyệt, hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Hưng Thông có đường ống cấp 3 lắp đặt cho các hộ dân  và nơi tiêu thụ nước nhưng chủ đầu tư lại cho rằng người dân phải đóng góp tiền
Mặc dù theo phê duyệt, hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Hưng Thông có đường ống cấp 3 lắp đặt cho các hộ dân và nơi tiêu thụ nước nhưng chủ đầu tư lại cho rằng người dân phải đóng góp tiền

Sau khi báo đăng, đã có nhiều ý kiến phản hồi cho rằng, lý do mà chủ đầu tư Dự án đưa ra là thiếu thuyết phục, phản ánh một thực tế là mục tiêu dự án dân sinh cho người dân thiếu khả thi. Trách nhiệm đó thuộc chủ đầu tư và những tác động liên quan. Bởi, không có lý do nào mà một công trình nước sạch lại cho rằng “xong cũng chưa được sử dụng”, phải chăng có điều gì đó khuất tất? Để rộng đường dư luận, phóng viên tiếp tục trở lại xã Hưng Thông - nơi công trình được phê duyệt thi công, làm việc với các bên liên quan để làm sáng tỏ vấn đề.

Ở số báo trước, làm việc với phóng viên về tính khả quan của Dự án khi công trình chậm tiến độ và xuống cấp, phóng viên đặt câu hỏi: “Đến bao giờ thì người dân có thể được hưởng lợi từ công trình nước sạch mang lại?”, ông Phạm Thành Long, Phó Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư và xây dựng, đại diện chủ đầu tư huyện Hưng Nguyên một mực khẳng định, có thể cuối năm nay. Nhưng do đường ống cấp 3 nối từ cấp 1, cấp 2 của nhà máy đến các hộ dân chưa có, vì không nằm trong tổng thể công trình nên huyện đang tính toán để lập hồ sơ dự toán thi công mới, khi hạng mục này hoàn thành thì mới nối về khách hàng được.

Tuy nhiên, ngày 31/8, làm việc với phóng viên, ông Hoàng Anh Tiến, Trưởng ban QLDA huyện phủ nhận: “Cách trả lời như thế là không được, vì trong phê duyệt đã có đường ống cấp 3”. Ông Tiến cũng một mực cho rằng, người dân muốn được hưởng lợi từ công trình buộc phải bỏ tiền ra để lắp đặt đường ống nối từ đường xương cá về tận hộ dân.

Xác minh qua hồ sơ Dự án, phóng viên có được thông tin, tại Quyết định 1497 ngày 22/4/2009 của UBND tỉnh về phê duyệt đầu tư Dự án quần thể Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Quyết định số 300/QĐ.UBND ngày 31/12/2014 của UBND huyện Hưng Nguyên về phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình hệ thống cấp nước xã Hưng Thông, ở mục “Mạng lưới đường ống phân phối có ghi: Lắp đặt mới mạng lưới đường ống C1, C2 chiều dài 7.700 m...; mạng lưới đường ống C3 lắp đặt cho các hộ dân và các nơi tiêu thụ nước, chiều dài dự kiến 10.000 m bằng ống nhựa, đường kính phi từ 40-90”.

Có được thông tin này, khi được hỏi vì sao có sự thiếu thống nhất thông tin và tại sao phê duyệt đã ghi cụ thể là có đường ống cấp 3 nối tận các hộ dân và nơi tiêu thụ nước nhưng chủ đầu tư Dự án lại phủ nhận phải có đường ống cấp 4,5 (đường xương cá - P.V), ông Tiến một mực giải thích: “Cái đó là khác, công trình này muốn có nước, dân phải xã hội hóa đóng tiền để kéo đường ống về tận gia đình”?. Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, về việc trước khi Dự án triển khai, xã và người dân Hưng Thông đã biết được là công trình này phải xã hội hóa, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hay chưa thì ông Tiến trả lời: “Xã cũng biết và dân cũng biết, tính ra dân đóng chẳng đáng bao nhiêu”.

Qua xác minh của P.V về tổng thể Dự án quần thể Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong do UBND tỉnh phê duyệt, tất cả trên 10 công trình, hạng mục đều sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ tỉnh, huyện, không có một từ nào trong các văn bản đề cập đến “xã hội hóa”. Hỏi chủ đầu tư Dự án, sao tất cả đều sử dụng nguồn Nhà nước mà chỉ công trình hệ thống cấp nước, là hạng mục cuối cùng của tổng thể Dự án được đầu tư tại xã Hưng Thông - quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong lại sử dụng nguồn xã hội hóa, ông Tiến và ông Long lại cho rằng: “Công trình nước sạch nào mà chẳng phải xã hội hóa tiền của dân khi đấu nối nước về tận hộ gia đình”.

Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi tiếp tục trở lại xã Hưng Thông để làm việc, xác thực lại thông tin mà chủ Dự án đưa ra. Tại UBND xã, ông Võ Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã lại khẳng định rằng: “Chưa bao giờ xã chúng tôi nắm được là sau khi hoàn thành công trình thì dân phải đóng góp tiền để thuê nối đường ống về cho từng hộ. Mà nếu có chuyện dân bỏ tiền ra thì huyện cũng phải cho chúng tôi biết bằng văn bản để Đảng ủy, UBND xã còn biết họp thông báo chủ trương cho dân”. Qua tiếp xúc với một số hộ dân xã Hưng Thông, đa số họ đều cho rằng, họ chưa biết bất kỳ thông tin nào về việc phải đóng tiền để nối đường ống dẫn nước.

Rõ ràng từ hai kênh thông tin liên quan đến Dự án, một bên giữa chủ đầu tư và một bên là đối tượng hưởng lợi Dự án đã thấy sự “bất nhất” về thông tin cũng như mục tiêu mà Dự án đã phê duyệt.

Trao đổi vấn đề này với UBND huyện Hưng Nguyên là chủ đầu tư Dự án, ông Lê Phạm Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Báo chí đã phản ánh, chúng tôi tiếp thu và có văn bản trả lời. Tôi nhận nhiệm vụ sau khi công trình đã được thi công nên không nắm rõ, phải chờ báo cáo từ Ban QLDA. Nhưng nếu như thế thì không được, tôi chưa khẳng định là công trình phải xã hội hóa hay không, nhưng nếu có thế đi chăng nữa thì người dân cũng phải biết trước khi có chủ trương đầu tư về cho dân. Nếu đóng góp thì đóng góp bao nhiêu, cách thức như thế nào, chứ không thể công trình xong rồi mới biết phải đóng. Họ phải biết mục tiêu Dự án và được giám sát các thông tin về quy mô đầu tư, nguồn vốn và hiệu quả Dự án”.

.

Xuân Thống

.