Kinh tế xã hội

Khó khăn trong xử lý doanh nghiệp nợ thuế

15:08, 14/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng ngành thuế Nghệ An vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nợ đọng thuế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, khó khăn nhất là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, nhiều vướng mắc đang cần được quan tâm tháo gỡ.

Cán bộ Chi cục Thuế TP Vinh chuẩn bị hồ sơ để xử lý doanh nghiệp nợ thuế
Cán bộ Chi cục Thuế TP Vinh chuẩn bị hồ sơ để xử lý doanh nghiệp nợ thuế

Nhiều doanh nghiệp chây ì nợ thuế

TP Vinh là nơi tập trung nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Vinh, Chi cục đã quyết liệt thực hiện các biện pháp mạnh trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế. Theo đó, các doanh nghiệp nợ thuế tập trung vào 2 nội dung: Nợ thuế sản xuất kinh doanh và nợ tiền sử dụng đất.

Số liệu mới nhất tại TP Vinh, nợ thuế tính đến ngày 30/6/2017 là 236.349 triệu đồng, với số tiền nợ khó thu là 108.964 triệu đồng, tăng so với thời điểm 30/12/2016. Những doanh nghiệp nợ thuế lớn, chây ì, kéo dài trong thời gian qua như: Công ty CP vật liệu và Xây dựng 485 với số thuế nợ là 2,3 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Nông thôn 7/1 nợ hơn 4,2 tỉ đồng; Công ty TNHH An Châu nợ hơn 5,4 tỉ đồng; Công ty Cổ phần 757 nợ 3,2 tỉ đồng... Tất cả các đơn vị này, ngành thuế TP Vinh đã thực hiện hết các biện pháp cưỡng chế và đề nghị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, số nợ trên vẫn chưa được xử lý.

Cũng theo ông Hùng, trong thời gian qua, ngành thuế TP Vinh đã thành lập 3 đoàn liên ngành triển khai công tác chống thất thu thuế. Đơn vị cũng đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp còn nợ chây ì như: Biện pháp cưỡng chế tài khoản; cưỡng chế hóa đơn; cưỡng chế kê biên tài sản (đối với hộ kinh doanh); biện pháp thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh, nhắn tin cho doanh nghiệp để đôn đốc nợ thuế hoặc đăng tải trên hệ thống thông tin đại chúng cho các doanh nghiệp nợ thuế.

Chi cục Thuế TP Vinh cũng đã tham mưu cho Cục Thuế Nghệ An, UBND tỉnh, Thành ủy, UBND TP Vinh xử lý đối với các chủ đầu tư dự án nợ tiền sử dụng đất lớn nhưng dây dưa không nộp thuế. Tính đến thời điểm 30/6/2017, đã có 33 doanh nghiệp bị cưỡng chế bằng hình thức thu hồi giấy phép, giấy đăng ký kinh doanh.

Theo số liệu mới nhất của Cục Thuế Nghệ An, tính đến ngày 20/7/2017, tổng số nợ thuế trên địa bàn là trên 161 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp giao thông, xây dựng, doanh nghiệp khai thác khoáng sản... Một số công ty nợ lớn trong suốt thời gian qua như: Công ty TNHH Tổng công ty Kinh tế Việt Lào, Công ty CP Xây dựng Cầu đường Nghệ An; Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình miền Trung; Công ty CP Xây dựng 16 - Vinaconex.... đều có số tiền nợ thuế trên 16 tỉ đồng. Riêng Cục Thuế Nghệ An đã chuyển hồ sơ đề nghị Sở KH&ĐT thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với 13 doanh nghiệp với số tiền 10,117 tỉ đồng.

Khó khăn trong xử lý

Trên thực tế, trong thời gian qua, ngành thuế trên địa bàn đã áp dụng hàng loạt biện pháp cưỡng chế để xử lý doanh nghiệp còn chây ì nợ thuế. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp trên vẫn chưa thực sự phát huy. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng thứ tự, từ biện pháp nhẹ nhất là trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế đến 2 biện pháp nặng nhất là thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn và thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh. Quy định này đang làm khó chi cục thuế nhiều địa phương, vì nếu áp dụng tuần tự các biện pháp cưỡng chế vừa mất nhiều thời gian, lại mất cơ hội xử lý kịp thời những trường hợp cố tình chây ì.

Nguyên nhân chính được đánh giá là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có năng lực về tài chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau, chậm được thanh toán dẫn đến nợ thuế. Các doanh nghiệp là nhà thầu phụ, doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cho nhà thầu chính thi công các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được ngân sách Nhà nước thanh toán kịp thời dẫn đến nợ thuế.

Trong đó, thực tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Riêng mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã trên 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất. Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 11%/năm, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt giảm đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Đó cũng là một trong những lý do gia tăng số doanh nghiệp bất động sản nợ thuế.

Vì vậy, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có nợ tiền thuế, đặc biệt là tiền sử dụng đất, cơ quan thuế nên công khai để thị trường được minh bạch, người dân đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi quyết định mua nhà đất của dự án; đồng thời, doanh nghiệp đã nợ thuế thì không được giao dự án để triển khai thực hiện. Đối với những dự án đang “treo” và nợ thuế, cần thu hồi để tránh tình trạng nợ tồn đọng. Tuy nhiên, ngay cả khi mới áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế, cơ quan Thuế cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các doanh nghiệp thường có 4 - 5 tài khoản để giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng cả trong và ngoài tỉnh.

Việc đôn đốc thu tiền dự án, doanh nghiệp nộp thuế là rất cần thiết nhằm đảm bảo công bằng trước pháp luật cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách để chi cho công tác đầu tư phát triển. Do đó, phải tăng cường giải pháp thu, có biện pháp mạnh đối với doanh nghiệp chây ì nộp thuế, ban, ngành liên quan khác để thực hiện được việc này. Trong đó, phải nâng  mức xử phạt hoặc các hình thức đi kèm chính là cơ sở quan trọng để tập trung giải quyết tình trạng nợ đọng kéo dài như hiện nay.

Mai Hậu

Các tin khác