Kinh tế xã hội
Tiếp diễn tình trạng khai thác thủy, hải sản theo phương pháp tận diệt
(Congannghean.vn)-Nghệ An có bờ biển dài 82 km, chạy dọc theo 34 xã, phường ven biển. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương tập trung phát triển kinh tế biển, nâng cao giá trị khai thác thủy, hải sản mang tính bền vững. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cá nhân đã ngang nhiên sử dụng thuốc nổ, kích điện, súng bắn cá tự chế... khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt khiến môi trường ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Lực lượng chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con ngư dân |
Việc sử dụng quá nhiều phương tiện khai thác mang tính hủy diệt đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật nhỏ và những ấu trùng mới sinh, trữ lượng cá trên vùng biển từ đó cũng giảm đáng kể. Mặc dù công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý ở tỉnh từ nhiều năm nay đã được triển khai thường xuyên nhưng thực trạng này ngày càng diễn biến phức tạp hơn, tác động tiêu cực đến ngành thủy sản địa phương.
Trên thực tế, tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt diễn ra rất phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử phạt hành chính không nhiều vì phần lớn những người sử dụng phương tiện này đều là hộ nghèo, không có tiền đóng phạt; trong khi ghe, thuyền là tài sản duy nhất của cả gia đình. Do đó, công tác kiểm tra, phát hiện, tịch thu phương tiện và xử phạt hành chính của địa phương gặp khó khăn. Ban ngày, các tàu neo đậu ngoài khơi để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, tối đến mới vào gần bờ để thả lưới.
Nhằm khắc phục trình trạng trên, trong những năm qua, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của nguồn lợi thủy sản, pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các quy định nghiêm cấm những hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản đến các chủ tàu cá, ngư dân có hoạt động khai thác thủy sản.
Ngoài công tác tuyên truyền, Chi cục còn tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 36 trường hợp sử dụng kích điện chất nổ trong khai thác thủy sản. Ngoài ra, còn có các sai phạm như phương tiện hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản về vùng khai thác (trái tuyến), giấy phép quá hạn. Đa số các thuyền vi phạm đều có công suất nhỏ, từ 5 - 20 CV. Qua đó, góp phần đầy lùi tình trạng vi phạm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán hóa chất, vật liệu nổ…, rà soát, theo dõi thường xuyên các đối tượng nghi vấn; tăng cường biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Phát huy vai trò của các tổ, đội ngư dân sản xuất bền vững, tàu thuyền an toàn làm “tai mắt” cho BĐBP và cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các tổ chức quần chúng ở xã, phường, thị trấn tích cực phối hợp vận động ngư dân ở các làng biển nói không với khai thác thủy, hải sản bằng cách tận diệt.
Không có thu nhập, việc làm ổn định cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều ngư dân tái diễn tình trạng khai thác thủy, hải sản theo phương pháp tận diệt. Ý thức rõ điều đó, trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về khai thác mang tính bền vững, vừa tạo thêm việc làm mới cho ngư dân. Bên cạnh việc tham gia trực tiếp khai thác thủy, hải sản trong những chuyến ra khơi, hậu cần nghề cá vẫn tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Các cấp Hội Phụ nữ đã động viên nhiều hội viên, làm cầu nối để họ vay các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng hệ thống buôn bán, dịch vụ...
Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước, cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa của các cấp chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và trên hết chính là ý thức chấp hành pháp luật về đánh bắt thủy sản của mỗi người dân và toàn xã hội. Từ đó, tạo sự đồng bộ, thống nhất cao trong công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Có như vậy, mới trả lại sự yên bình và môi trường sinh thái biển bền vững. Hơn lúc nào hết, ngư dân đang trông chờ sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng để sớm giải quyết triệt để tình trạng khai thác tận diệt với môi trường biển.
Mai Hậu