Kinh tế xã hội

Trăn trở của các trí thức trẻ khi Dự án thí điểm 600 Phó Chủ tịch xã kết thúc

08:36, 02/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau 5 năm thực hiện Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch (PCT) xã tại các huyện nghèo của 4 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là sau khi Dự án kết thúc, số trí thức trẻ hiện chưa được bố trí công tác sẽ đi về đâu?

Anh Phạm Văn Hòa trao đổi với phóng viên
Anh Phạm Văn Hòa trao đổi với phóng viên

Dự án tăng cường nguồn nhân lực trẻ cho các địa phương

Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm PCT UBND xã thuộc 64 huyện nghèo được triển khai thực hiện tại 15 huyện của 4 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Trong đó Thanh Hóa có 7 huyện, Nghệ An có 3 huyện, Quảng Bình có 1 huyện và Quảng Trị có 1 huyện.

Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển chọn quy định tại Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các tỉnh đã thành lập hội đồng tuyển chọn và tổ chức các hội nghị phỏng vấn tuyển chọn trí thức trẻ tham gia Dự án. Tính đến ngày 1/10/2012, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Dự án với tổng số 104 người.

Nhìn chung, các đội viên được tuyển chọn đều đáp ứng yêu cầu của Dự án. 104 đội viên đều là người địa phương, được đào tạo đại học hoặc trên đại học, có chuyên ngành học phù hợp với yêu cầu của mỗi địa phương. Trong số 104 đội viên, có 42 đội viên đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý đất đai, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, tài chính và kế toán (chiếm 40,38%); 45 đội viên đào tạo chuyên ngành về sư phạm, kỹ thuật, công nghệ thông tin (chiếm 43,27%); 17 đội viên đào tạo chuyên ngành về văn hóa, luật, công tác xã hội, hành chính học (chiếm 16,35%).

Dự án đã tuyển chọn được 56 đội viên là người dân tộc Kinh (chiếm 53, 85%); dân tộc thiểu số (DTTS) có 48 người (chiếm 46,15%), điều này đã tạo ra thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ của đội viên Dự án ở vùng dân tộc, miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối với người DTTS.

Sau khi được tuyển chọn vào Dự án, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, các đội viên Dự án đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, 97 đội viên được đánh giá thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 45 đội viên (chiếm 46,39%) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 52 đội viên (chiếm 53,61%) hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng đội viên của Dự án đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đổi mới tư duy, lề lối làm việc ở một số đơn vị. Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Nghệ An khó khăn bố trí công tác cho đội viên sau khi Dự án kết thúc

Theo báo cáo của 4 tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 29/101 đội viên (trong đó 1 đội viên mất do tai nạn, 2 đội viên không tiếp tục tham gia Dự án) chiếm 28,71% được bố trí công tác. Trong đó, tỉnh Nghệ An đã thực hiện bố trí được 16/25 đội viên Dự án của tỉnh (đạt 64%), tỉnh quảng Bình đã bố trí được 10/10 đội viên (đạt 100%), tỉnh Quảng Trị đã bố trí được 2/7 đội viên (đạt 28,5%). Riêng tỉnh Thanh Hóa với số lượng đội viên lên đến 58 người nhưng tới thời điểm hiện nay mới chỉ bố trí công tác được cho 1 đội viên.

Tại Nghệ An, Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm PCT xã tại các huyện nghèo đã tạo nên động lực lớn cho các địa phương. Các đội viên của Dự án đều được bố trí về công tác tại các xã nghèo của tỉnh, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí nơi ăn ở của các đội viên còn khá tạm bợ. Tuy nhiên, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ngay khi mới bắt đầu nhận công tác, các đội viên đã bám sát, tích cực xuống cơ sở, gần dân và lắng nghe nhân dân, tìm hiểu về địa bàn, phong tục tập quán.

Ngoài việc thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của PCT xã, đội viên Dự án đã chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vào việc hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, giúp mang lại năng suất cao, được nhân dân ghi nhận.

Anh Trần Điệp Trùng Dương (SN 1983), PCT UBND xã Quế Sơn, huyện Quế Phong chia sẻ: 5 năm tham gia Dự án, chúng tôi đã có cơ hội cọ xát với thực tiễn, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm mà không có trường lớp, sách vở nào có thể dạy. Tôi may mắn hơn các đội viên khác là trước khi tham gia Dự án, bản thân đã có 4 năm công tác tại xã Quế Sơn nên gặp nhiều thuận lợi trong quá trình công tác. Vừa qua, tôi được giới thiệu ứng cử vào vị trí PCT xã nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để không phụ lòng tin của nhân dân và cấp trên; đồng thời, góp phần giúp xây dựng xã Quế Sơn phát triển về kinh tế - xã hội, sớm thoát khỏi diện xã nghèo của tỉnh.

Anh Phạm Văn Hòa (SN 1987), sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh đã tham gia Dự án và được phân công công tác tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Bảo Thắng là đơn vị hành chính loại 2 nên hiện anh Hòa đang là PCT xã theo diện Dự án chứ không phải thông qua bầu cử. “Hết tháng 6/2017 là Dự án kết thúc nhưng cho đến hiện nay, tôi vẫn chưa biết mình sẽ đi về  đâu. Tôi và các đội viên của Dự án mong muốn Ban chỉ đạo Dự án sớm bố trí công tác để chúng tôi yên tâm, tiếp tục đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của địa phương”.

Trao đổi với phóng viên, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Hiện nay, 25/25 đội viên Dự án của Nghệ An được chính quyền địa phương quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phó phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Tuy nhiên, đây chỉ là quy hoạch, thực tế để sắp xếp được như quy hoạch thì rất khó vì trong tình hình chung hiện nay, cả tỉnh đang thực hiện giảm biên nên không có biên chế. Nghệ An hiện còn 6/25 đội viên chưa được bố trí công tác sau khi Dự án kết thúc (hết tháng 6/2017). Đây là vấn đề khiến Ban chỉ đạo Dự án của tỉnh đang rất trăn trở. Qua 5 năm tham gia Dự án, các đội viên đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chúng tôi đang đề nghị Trung ương bổ sung biên chế cho tỉnh Nghệ An để bố trí công việc cho 6 đội viên còn lại.

Phương Thủy

Các tin khác