Kinh tế xã hội
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nữ
(Congannghean.vn)-Ly hương lập nghiệp, với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, là điều ít người mong muốn. Bởi sâu thẳm trong bản năng mỗi người phụ nữ, họ vẫn muốn gắn bó, phát triển công việc trên mảnh đất quê hương, gần gia đình, bố mẹ. Nắm bắt nguyện vọng trên, trong thời gian qua, các cấp, ngành, trong đó có Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh nhiều hình thức đào tạo nghề cho lao động nữ trên địa bàn.
Trong thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ đã tìm được việc làm ổn định, từng bước khẳng định bản thân |
Xồng Thị Na (20 tuổi) quê ở huyện Tương Dương. Sau khi học xong bổ túc văn hóa, Na được anh trai giới thiệu xuống TP Vinh tham gia đăng ký học tạo mẫu tóc, do Trung tâm Dạy nghề và Xúc tiến việc làm thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An tổ chức.
Thời gian đầu, Na được các cô, thầy hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản, sau nữa, sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn. Ngoài được thực hành tại salon của Trung tâm, Na còn được áp dụng thực tiễn ở những cửa hàng tạo mẫu tóc trên địa bàn TP Vinh. Na dự định, khi tay nghề đã vững, sẽ về quê, mở cửa hàng riêng để phát triển. Cùng với Na, rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp khóa học cũng đã có công việc, từng bước tạo dựng cuộc sống ổn định. Hướng dẫn đào tạo mẫu tóc là một trong nhiều mô hình được áp dụng khá thành công của Trung tâm Dạy nghề và Xúc tiến việc làm Nghệ An.
Theo đó, riêng trong năm 2015, Trung tâm đã tổ chức 11 lớp đào tạo cho 309 học viên, gồm các nghề: Tin học, kỹ thuật may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật đan sản phẩm mây tre và kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm. Trong đó, có 241/309 học viên đã tìm được việc làm sau đào tạo.
Năm 2016, Trung tâm đã tổ chức 18 lớp đào tạo cho 356 học viên, gồm các nghề: Chăm sóc sắc đẹp, tin học, kỹ thuật may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật đan sản phẩm mây tre và kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm. Theo đó, có 318/356 học viên đã tìm được việc làm sau đào tạo. Trung tâm đang nỗ lực từng bước trong việc tạo dựng cầu nối để các học viên tìm được việc làm, nhất là với các học viên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ xóa đói giảm nghèo”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; vận động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn của phụ nữ; khuyến khích phụ nữ tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ; hỗ trợ, tư vấn phụ nữ khởi sự kinh doanh; hỗ trợ thành lập và tư vấn các CLB doanh nhân nữ, tổ, nhóm phụ nữ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh… đã giúp cho nhiều phụ nữ có thêm việc làm.
Có thể thấy, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên phụ nữ cùng việc xây dựng các mô hình sau đào tạo đã giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả và trở thành hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ. Nội dung các nghề đào tạo được phân bổ phù hợp với người lao động nông thôn, nhất là lao động nữ nên thuận lợi cho các học viên thực hành, áp dụng nghề được học vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo khảo sát gần đây từ cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp quốc và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), hiện nay, hơn 70% lao động nữ nông thôn ở Việt Nam không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề do hạn chế về trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp... Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ ở nông thôn, từ lâu đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện ở việc ban hành Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Đề án 295 về hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010 - 2015, với mục tiêu tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ. Điều này đã góp phần đảm bảo quyền được học nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định, giúp giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng lên về số lượng và chất lượng, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm là rất cần thiết; đồng thời, cần lồng ghép chính sách vào chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với tạo việc làm cho lao động nữ; thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới... Song, chính bản thân người phụ nữ phải hiểu rõ bản thân có khả năng, phù hợp với nghề gì để chọn nghề học phù hợp; nhận thức được hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình để xác định mục tiêu phấn đấu và nỗ lực hơn trong quá trình học nghề; đồng thời tuyệt đối tránh tư tưởng an phận, tự bằng lòng với những gì mình đang có.
Tuệ Trang