Kinh tế xã hội

Nhu cầu cấp bách trong việc xây trường mầm non ở khu công nghiệp

16:18, 06/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Nghệ An đều chưa có nhà trẻ, trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân. Vì thế, việc cần có trường mầm non tại KCN đang là vấn đề thực sự cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

 Trẻ em cần được chăm sóc đầy đủ để phát triển toàn diện
Trẻ em cần được chăm sóc đầy đủ để phát triển toàn diện

Khoảng 5 giờ chiều hàng ngày, tại cổng KCN Bắc Vinh, xã Hưng Đông, TP Vinh, hàng nghìn công nhân tan ca, đổ xô ra đường. Chị Trần Thị Hoài (trú tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, làm việc tại Công ty May Minh Anh Kim Liên) vội vã mua ít thức ăn tại các cửa hàng cạnh Công ty rồi tất bật về phòng trọ với đứa con 7 tháng tuổi. Chị Hoài tâm sự: Thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 7 triệu đồng/tháng, trong khi có nhiều khoản phải trang trải.

Cũng theo chị Hoài, chị không yên tâm khi gửi con vào các điểm giữ trẻ tư thục, một mặt lo lắng về chất lượng, sự an toàn của con; mặt khác chi phí giữ trẻ ở đây khá cao so với thu nhập của công nhân. Hiện, trong phòng trọ chật hẹp của 2 vợ chồng, bà nội đang ở cùng để trông cháu, nhưng bà đã gần 80 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều. Bởi thế, 2 vợ chồng đang tính toán để chị nghỉ ở nhà chăm sóc con.

Trong số những công nhân đang làm việc tại các KCN, rất nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ. Với những đôi vợ chồng có con dưới 12 tháng tuổi thì việc gửi trẻ tại các trường mầm non rất khó khăn do chưa đủ độ tuổi để các trường nhận chăm sóc. Trong khi đó, với đồng lương “ba cọc, ba đồng”, lại phải gánh nhiều chi phí sinh hoạt nên việc gửi con vào nhà trẻ tư thục càng khó khăn gấp bội.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) Đông Nam, tại đây có  16.577 công nhân đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, KCN. Trong đó, công nhân nữ chiếm chủ yếu (12.004 người) nên nhu cầu gửi con là rất lớn. Song hiện nay, chưa có KCN nào có nhà trẻ để đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 535 trường mầm non, trong đó có 501 trường công lập, 34 trường ngoài công lập. Theo tìm hiểu, công nhân nữ rất khó gửi con vào các trường mầm non công lập trên địa bàn, do các trường phải ưu tiên cho con em có hộ khẩu ở địa phương trước rồi mới đến con em có hộ khẩu ở nơi khác. Hầu hết, các trường mầm non ở địa phương đều đã đủ số trẻ nên chỉ tiêu dành cho con em công nhân các KCN rất thấp.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp đại diện một số doanh nghiệp tại KCN Bắc Vinh. Hầu hết, họ lý giải: Thời gian gần đây, do nhu cầu gửi trẻ của công nhân tăng cao, nhiều công ty đã có kế hoạch xây dựng nhà trẻ, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc… Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng vì tình trạng nữ công nhân làm một thời gian rồi nghỉ để chăm con, nhất là những DN có số lượng công nhân nữ chiếm đa số như Công ty Minh Anh Kim Liên, Minh Trí Vinh, Công ty TNHH Matrix…

Tại Điều 153, Bộ luật Lao động quy định: Nhà nước có kế hoạch tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và Điều 154 về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ quy định: Người sử dụng lao động giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.

Được biết, để tháo gỡ khó khăn này, tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020”. Theo đó, có những cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở trông trẻ tư thục được ban hành, song sau hơn 3 năm, việc thực thi đề án đang diễn ra quá chậm chạp.

Việc đảm bảo điều kiện học tập, chăm sóc trẻ, nhất là trẻ ở độ tuổi mầm non trong các KCN không chỉ giảm bớt sự lo lắng, nhọc nhằn cho công nhân và sự phát triển bền vững của DN mà còn góp phần phát triển và nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục mầm non.

Phạm Thủy

Các tin khác