Kinh tế xã hội
Hồi âm bài báo 'Ôm nợ ngân hàng vì 'sập bẫy' lừa xuất khẩu lao động':
Công ty Simco Sông Đà đã trả lại tiền chiếm dụng cho người dân
09:04, 08/07/2017 (GMT+7)
Báo Công an Nghệ An số ra ngày 04/7/2017 có đăng bài: “Tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An: Ôm nợ ngân hàng vì 'sập bẫy' lừa xuất khẩu lao động”. Nội dung bài báo phản ánh trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, đã có 160 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Quế Phong (Nghệ An) vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong để ký hợp đồng đi XKLĐ với Công ty CP Simco Sông Đà.
ĐÃ TRẢ LẠI GẦN HẾT TIỀN CHO BÀ CON
Trong thời gian này, ông Nguyễn Trung Kiên dưới danh nghĩa là Giám đốc Chi nhánh Công ty Simco Sông Đà tại huyện Quế Phong, đã nhận tiền của 92 hộ gia đình, cá nhân vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện để đưa 110 người đi XKLĐ, tổng số tiền là 5,944 tỷ đồng nhưng không đưa được bất cứ lao động nào ra nước ngoài làm việc. Sau khi có đơn thư phản ánh, ngày 25/4/2017, UBND huyện Quế Phong đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc XKLĐ của công ty này trên địa bàn huyện Quế Phong, giai đoạn từ 2011-2016. Kết quả cho thấy, đến thời điểm kiểm tra, ông Kiên mới hoàn trả lại cho người lao động 2,974 tỷ đồng, còn chiếm dụng gần 2,8 tỷ đồng.
Sau khi báo phát hành, làm việc với phóng viên vào chiều ngày 07/7/2017, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến thời điểm này, Công ty CP Simco Sông Đà đã trả lại gần hết số tiền cho các hộ dân. Cụ thể, theo báo cáo số 08 ngày 05/7/2017 của Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong, từ năm 2014-2015, Công ty đã tuyển dụng dụng được 136 lao động, trong số này có 54 lao động đã xuất khẩu được và hiện đang làm việc tại Đà Loan và Malayxia. Còn lại 41 lao động không đủ điều kiện về sức khỏe nên đã bị loại, 41 lao động khác bỏ cuộc do nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau.
Đến thời điểm này, Công ty CP Simco Sông Đà đã trả lại gần hết tiền cho các hộ dân vay vốn quan Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong. |
Từ năm 2015-2016 Công ty CP Simco Sông Đà đã tuyển được 97 lao động, trong đó có 28 lao động đã xuất cảnh, làm việc tại Đà Loan và Malayxia. Còn lại 69 lao động khác không xuất cảnh được, nguyên nhân và lý do cũng không giống nhau. Sau khi nắm bắt thông tin, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với Công ty và các ban ngành liên quan, tổ chức thống kê, xác minh các trường hợp cụ thể để có kế hoạch trả lại tiền cho các hộ dân để thu hồi vốn vay XKLĐ. Theo đó, trong tháng 6/2017, Công ty đã thanh toán dứt điểm cho 15 trường hợp với số tiền 870 triệu đồng tiền gốc và lãi tính đến ngày nợ.
Đến ngày 30-6, Công ty CP Simco Sông Đà đã thanh toán dứt điểm số tiền vay vốn XKLĐ cho 50 lao động còn dư nợ tại Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 2 tỷ 684 triệu đồng tiền gốc và hơn 63 triệu đồng tiền lãi tính đến ngày tất toán trong tổng số 2 tỷ 712 triệu đồng Công ty còn nợ bà con.
Đến thời điểm này, các trường hợp chưa trả lại tiền bao gồm gia đình bà Lữ Thị Chấp, trú tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong vay 28 triệu đồng cho lao động Lữ Thị Pôn đi XKLĐ tại Malayxia; Bà Lữ Thị Huệ, trú tại xã Mường Nọc vay số tiền 60 triệu đồng cho lao động Lương Thị Linh đi XKLĐ tại Đài Loan và ông Hà Văn Xuân vay 28 triệu đồng cho lao động Hà Thị Huyền, trú xã Quế Sơn vay đi XKLĐ tại Malayxia.
NGÂN HÀNG SẼ QUẢN LÝ VỐN VAY CHẶT CHẼ HƠN
Các trường hợp này còn xảy ra “tranh chấp hợp đồng” giữa người lao động với Công ty nên chưa thể giải quyết. Cụ thể, lao động Lữ Thị Pôn, Công ty đãmua vé máy bay nhưng không đi XKLĐ, lao động Lương Thị Linh và Hà thị Huyền, sau khi xuất cảnh sang Đài Loan và Malayxia đã tự ý bỏ về nước trước thời hạn. Hiện, Công ty CP Sim co Sông Đà tiếp tục phối hợp với chính quyền và gia đình để giải quyết dứt điểm trước ngày 15/7/2017. Ngoài ra, có 3 hộ dân đã nộp tiền cho Công ty nhưng không vay vốn của Ngân hàng CSXH mà tự bỏ tiền ra, bao gồm các ông Lô Văn Toàn, Lương Thị Thỏa và Lô Văn Thanh, cùng trú tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, hiện này Công ty cũng đang phối hợp để giải quyết.
Bà Trần Thị Hương, Trưởng phòng kiểm tra, kiểm toán nội bộ, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Ngay sau khi nắm bắt được thông tin từ các cơ quan thông tin đại chúng, phía Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp với các ban ngành chức năng và Công ty CP Simco Sông Đà để tháo gỡ, trả lại tiền cho người dân.
Người dân làm thủ tục tại Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong. |
Đối với những trường hợp sau khi xác định lỗi không xuất cảnh được là do từ phía Công ty, phương án đã xử lý là cá nhân ông Nguyễn Trung Kiên phải có trách nhiệm trả nợ cả gốc lẫn lãi cho người dân, còn với những trường hợp khác, hai bên tự thỏa thuận để tìm ra phương án hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi cho bà con và với cách xử lý này, đến nay cơ bản vụ việc đã được giải quyết.
Cũng theo bà Hương, để xảy ra sự việc trên, ngoài nguyên nhân khách quan là thị trường XKLĐ trong những năm gần đây gặp không ít khó khăn, còn có nguyên nhân chủ quan là do chương trình cho các huyện nghèo vay vốn XKLĐ theo Quyết định 71 của Chính phủ cũng có những khó khăn nhất định, khi đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, không nghiên cứu kỹ thị trường, nghiên cứu các điều khoản hợp đồng dẫn đến vi phạm, phá vỡ và tranh chấp hợp đồng mà không lường trước được hậu quả.
Khẳng định với phóng viên, đại diện Ngân hàng CSXH cho biết, XKLĐ là con đường thoát nghèo hiện hữu nhất đối với bà con dân tộc thiếu số tại các huyện miền núi. Sau sự việc xảy ra tại huyện Quế Phong, chương trình cho vay để XKLĐ vẫn tiếp tục được phía Ngân hàng CSXH phối hợp với các đơn vị để thực hiện, tuy nhiên để không xảy ra các sự việc tương tự, ngân hàng sẽ tăng cường giám sát đối với các tổ tín dụng, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để quản lý việc sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Cùng với các kênh vốn khác của Ngân hàng CSXH, cho vay XKLĐ là một trong những con đường thoát nghèo nhanh nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, biên giới của miền Tây xứ Nghệ.
Thiên Thảo