Kinh tế xã hội

Giải quyết 'vấn nạn' về an toàn thực phẩm

Phải đặt trách nhiệm cộng đồng trên lợi ích kinh doanh

09:01, 18/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP” đang là vấn đề được cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng hết sức quan tâm. Làm thế nào để có thực phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng đang là câu hỏi lớn, chỉ được giải đáp khi và chỉ khi có ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của các chủ cơ sở kinh doanh và ngay chính mỗi người dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh kiểm tra các cơ sở tại huyện Nam Đàn
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh kiểm tra các cơ sở tại huyện Nam Đàn

Tăng cường thanh, kiểm tra

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, bởi rau, thịt sản xuất từ nông sản và thực phẩm là nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, việc kiểm soát ATVSTP đối với nông sản, thực phẩm hiện còn nhiều hạn chế, gây nên những tác hại khôn lường về sức khỏe, giống nòi khi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cao như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh gây bệnh trên rau, thịt…

Thực tế này diễn ra xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trong công tác quản lý ATTP. Đó là tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh, gây ô nhiễm môi trường; các chất cấm, hóa chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến thực phẩm còn xuất hiện nhiều trên thị trường; thực phẩm không an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay sản phẩm nhập lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; trong khi cơ chế quản lý và các nguồn lực để đảm bảo cho công tác quản lý ATTP còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.892 cơ sở sản xuất, 5.648 cơ sở sơ, chế biến và 11.359 cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc diện quản lý của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị. Qua thống kê sơ bộ, trên 90% cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thời vụ do xã, phường quản lý. Phần lớn chính quyền cấp xã, phường chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trông công tác quản lý ATTP. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, gây khó khăn trong quản lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển chung của tỉnh.

Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh, thực hiện Tháng hành động về ATVSTP, các đoàn thanh, kiểm tra đã tiến hành thanh tra tại 12 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, trên địa bàn các huyện, thị xã và TP Vinh.  Kết quả, có 7/12 cơ sở tại thời điểm thanh tra đảm bảo các điều kiện về ATTP; 5/12 cơ cở có hành vi vi phạm về đảm bảo ATTP (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không có giấy khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến hoặc có nhưng đã hết hạn; không có giấy xác nhận kiến thức ATTP; không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng, động vật gây hại.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, đoàn đã tiến hành thanh tra tại 8 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện, thị xã, TP Vinh. Kết quả, có 4/8 cơ sở tại thời điểm thanh tra đảm bảo các điều kiện về ATTP; 4/8 cơ sở có hành vi vi phạm các điều kiện đảm bảo ATTP. Đoàn cũng đã tiến hành thanh tra tại 20 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 10/20 cơ sở tại thời điểm thanh tra đảm bảo các điều kiện; 10/20 cơ sở có hành vi vi phạm các điều kiện đảm bảo ATTP. 

Trong thời gian từ ngày 15/4 - 15/5, đã thanh, kiểm tra 7.052 cơ sở, trong đó có 1.908 cơ sở vi phạm, xử lý 853 cơ sở. Phần lớn cơ sở không đạt chuẩn ATVSTP do không đảm bảo quy định về địa điểm sản xuất, chế biến, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP  hoặc hết hạn; trang bị bảo hộ lao động chuyên dụng cho công nhân chưa đầy đủ và cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát nhỏ lẻ chưa thực hiện đúng các quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở chế biến thủy, hải sản ở TX Hoàng Mai
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở chế biến thủy, hải sản ở TX Hoàng Mai

Nâng cao trách nhiệm vì cộng đồng

Có thể thấy, hiện nay cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường ở nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc đối với nhiệm vụ cũng như công tác quản lý ATTP. Do đó, việc lãnh đạo, quản lý và đầu tư trên lĩnh vực này trong thời gian qua ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý ATTP ở các cấp còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu, cảng biển, sân bay quốc tế, có TP Vinh là trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung Bộ, với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như quê Bác; biển Cửa Lò... Vì thế, vào mùa hè, lượng khách du lịch về nghỉ ngơi tại Nghệ An rất đông nên lượng tiêu thụ hàng hóa, trong đó có thực phẩm (hải sản tươi sống, rượu, bia...) khá lớn.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo sâu sát, triển khai quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng nên các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động về công tác quản lý ATTP của các cấp và các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực của người dân, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đã được hình thành.

Mặc dù vậy, công tác đảm bảo ATTP còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống chưa chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải kiên quyết chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Theo ông Hoàng Quốc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Nghệ An cho biết, việc đảm bảo ATVSTP phải là việc làm thường xuyên, liên tục và đồng bộ chứ không chỉ riêng trong “Tháng hành động vì ATTP” hàng năm. Để đạt được kết quả cao nhất và bền vững, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo ATVSTP. Quan trọng hơn, việc đảm bảo ATVSTP nói chung, đặc biệt đối với thức ăn đường phố không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng mà còn phụ thuộc vào cái tâm của người kinh doanh và sự lựa chọn của chính người tiêu dùng, đó chính là đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Xuân Thống

Các tin khác