Kinh tế xã hội
Hàng loạt bến cát, sỏi không phép vẫn tiếp tục hoạt động?
(Congannghean.vn)-Hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên sông Lam, đoạn chảy qua địa bàn Nghệ An thời gian qua hết sức lộn xộn. Từ việc khai thác trái phép đến việc tập kết cũng không đúng quy định của pháp luật. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý, song vấn đề này vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó, khi được hỏi về giấy phép hoạt động, các doanh nghiệp đều trả lời “đang làm thủ tục”…
Mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử lý, tạm đình chỉ nhưng sau đó các bến tập kết cát, sỏi trái phép lại tiếp tục hoạt động |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 23/11/2015, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 5445/QĐ-UBN-NC, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên sông Lam. Theo kế hoạch, đoàn liên ngành bắt đầu triển khai nhiệm vụ từ ngày 1/12/2015 cho đến khi hoàn thành xong việc giải tỏa các bến, bãi hoạt động trái phép ven sông Lam.
Để thực hiện có hiệu quả quyết định của UBND tỉnh, đoàn công tác đã tham mưu cho UBND TP Vinh, UBND các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương chủ trì cuộc họp, thành phần gồm Đoàn kiểm tra liên ngành và các ban, ngành liên quan, chính quyền các phường, xã ven sông Lam cùng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh cát, sỏi trên địa phương. Tại các cuộc họp này, Đoàn liên ngành đã quán triệt một số nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện việc xử lý hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép.
Lộ trình thực hiện theo 3 bước: Thứ nhất, chính quyền thu hồi hợp đồng và không cho tàu, thuyền bổ sung thêm cát, sỏi lên các bãi tập kết; thứ 2, trong vòng từ 7 - 10 ngày, chính quyền vận động các chủ bến, bãi tập kết tháo dỡ cần cẩu cát, sỏi; thứ 3, tiến hành giải tỏa bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương quản lý. Cuối cùng, nếu các đơn vị, cá nhân nào không chấp hành thì đoàn sẽ tham mưu cho UBND các huyện xây dựng kế hoạch cưỡng chế.
Trước sự ra quân quyết liệt của Đoàn kiểm tra liên ngành và chính quyền các địa phương, hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trên sông Lam đã đạt được nhiều kết quả. Theo khảo sát của chúng tôi, thời điểm cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, toàn bộ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép ven sông Lam (từ TP Vinh đến huyện Thanh Chương) đã được tháo dỡ, dẹp bỏ hoàn toàn… Tuy nhiên, điều đáng buồn là sau đó không lâu, các bến tập kết cát, sỏi lại nhen nhóm hoạt động trở lại, ban đầu một vài bến, sau đó người này thấy người kia làm được thì tất cả đều hoạt động trở lại như cũ.
Tại xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, bến cát của ông Ngô Minh Lự nằm ngay trước UBND xã Hưng Khánh đang hoạt động trái phép lâu nay. Trao đổi sự việc này, ông Hoàng Đức Thông, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho hay, vị trí ông Lự làm bến tập kết cát thuộc diện đất công ích (5%) của xã cho thuê, mỗi năm thu 2 triệu đồng nộp vào ngân sách xã. Bến cát này đã hoạt động khoảng 5 năm, thời gian trước huyện cũng đã tạm đình chỉ, sau đó thì họ hoạt động trở lại cho đến nay. Trong khi đó, ông Thái Huy Dũng, Trưởng phòng KTHT huyện Hưng Nguyên khẳng định, bến cát của ông Ngô Minh Lự tại xã Hưng Khánh chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn có 2 bến cát đang hoạt động. Qua tìm hiểu được biết, hiện bến cát của ông Lê Văn Hạ ở xóm Đồng Văn chưa đủ thủ tục cấp phép hoạt động. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết: Việc bến tập kết cát của ông Hạ lâu nay hoạt động, chính quyền địa phương đã nắm được. Mặc dù chưa đủ các thủ tục theo quy định nhưng bến cát này được UBND huyện Nam Đàn xin UBND tỉnh cho hoạt động trong thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật?!
Trước sự hoạt động lộn xộn của các bến tập kết cát, sỏi trên địa bàn, ngày 25/4, UBND huyện Thanh Chương đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động của tất cả các bến tập kết cát, sỏi. Tại đợt kiểm tra này, UBND huyện Thanh Chương đã đình chỉ 26 bến tập kết cát, sỏi chưa đủ điều kiện hoạt động trên toàn địa bàn.
Có thể nói, việc kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động của các bến tập kết cát, sỏi không có gì khó khăn, song cái khó là việc duy trì trật tự sau xử lý mới là điều đáng bàn. Bởi hầu hết một thời gian sau các bến cát này lại tiếp tục hoạt động. Mặt khác, hiện nay nhiều chủ bến cát phản ánh rằng, họ rất muốn hoàn thiện các thủ tục để được cấp phép hoạt động, song do thủ tục hành chính quá rườm rà, chờ đợi quá lâu, thậm chí họ không biết là hồ sơ cấp phép đang vướng mắc ở chỗ nào để tháo gỡ? Đây có lẽ là điều đáng lưu tâm đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép hoạt động cho các bến cát, sỏi trên địa bàn Nghệ An.
Hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép không những gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn thuế cho Nhà nước mà còn gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, khiến người dân hết sức bức xúc. Về lâu dài, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng cấp tỉnh; vùng nào, khu vực nào không nằm trong quy hoạch cần loại bỏ sớm, vùng nào, doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì cần phải tạo điều kiện cấp phép cho họ.
Đức Thắng