(Congannghean.vn)-Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, các hành vi gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, thời gian qua, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Nghệ An (BCĐ 389) đã có nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này.
Lực lượng chức năng ở Nghệ An phát hiện, xử lý vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Theo đánh giá của BCĐ 389 tỉnh, tình trạng buôn bán hàng cấm, vận chuyển hàng lậu hiện nay xảy ra trên nhiều lĩnh vực, với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Gian lận thương mại nổi lên với các hành vi: Trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp chủ yếu là kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng đầu ra của các công trình xây dựng đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành; xác định không chính xác mức giảm trừ cho bản thân và giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, còn có hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như: Mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo và phân bón. Việc sản xuất hàng giả tại địa bàn Nghệ An diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác đưa ra thị trường nhằm lừa dối người tiêu dùng để bán kiếm lời.
Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia, lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại Nghệ An đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó thu được nhiều kết quả quan trọng và tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động, chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…
Năm 2016, BCĐ 389 tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, kiểm soát, bắt, xử lý nhiều đối tượng buôn bán các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả; qua đó đã tịch thu, tiêu hủy nhiều mặt hàng. Thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế đối với hàng nghìn tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, gian lận trong kê khai nộp thuế; triệt xóa một số đường dây, ổ nhóm lớn vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Đặc biệt, Công an tỉnh đã triệt xóa cơ sở sản xuất các loại mỹ phẩm, băng vệ sinh giả tại huyện Diễn Châu; lực lượng QLTT thu giữ nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, mỹ phẩm, nước giải khát, bột ngọt, bột giặt, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp. Kết quả, đã phát hiện, xử lý 11.669 vụ việc vi phạm, xử phạt số tiền hơn 299 tỉ đồng; trong đó xử phạt vi phạm hành chính gần 70 tỉ đồng, phạt và truy thu thuế hơn 188 tỉ đồng. Tổng giá trị hàng hóa tịch thu là 41,5 tỉ đồng.
Để đấu tranh có hiệu quả hơn nữa đối với những vi phạm trên các lĩnh vực này, ngày 14/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 207 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo các nội dung của BCĐ 389 quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; hạn chế tình trạng vận chuyển, buôn bán, kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hàng hóa vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn.
Thông qua công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, sản xuất hàng giả, hàng vi phạm ATVSTP nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh doanh, ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giao cho các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ kịp thời, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, các loại hàng hóa có thuế suất cao, hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Lực lượng chức năng cũng cần kịp thời cung cấp thông tin, diễn biến tình hình hàng hóa, giá cả trên thị trường, đặc biệt là các đối tượng chuyên buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng cấm, hàng lậu để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhằm tạo chuyển biến sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngoài ra, cần nắm chắc tình hình hoạt động của các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tập trung đấu tranh đối với các tổ chức buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm ATVSTP, các chủ phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu, hàng giả; các tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ chế chính sách kinh doanh xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép.
UBND tỉnh cũng giao cho các ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả. Nếu ngành và địa phương nào để xảy ra các “điểm nóng” về buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả thuộc ngành và địa phương mình quản lý thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.