Kinh tế xã hội

Có nên so sánh chi phí đường bộ-đường biển?

10:21, 22/05/2017 (GMT+7)
Câu chuyện cước vận chuyển một container từ Hải Phòng lên Hà Nội đắt hơn chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam được đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp.
 
Tương tự, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết chi phí vận chuyển một container từ TPHCM đi Vũng Tàu vẫn đắt hơn sang Singapore.
Xe container nối đuôi nhau ra vào tại khu vực cảng 128, TP Hải Phòng
Xe container nối đuôi nhau ra vào tại khu vực cảng 128, TP Hải Phòng
Ông Lâm Đại Vinh (Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, TPHCM) cho biết cước vận chuyển một container từ cảng Vict ở quận 7 bằng xe đầu kéo đi Vũng Tàu hiện là 5,2 triệu đồng.
 
Trong khi đó, một công ty chuyên vận chuyển hàng đi Singapore cho biết giá vận chuyển hàng đường biển phân theo khối lượng nhưng giá thường chỉ tầm 1 - 2 triệu đồng.
 
Với khoảng cách chỉ tầm 120km đi Vũng Tàu giá quá cao, theo ông Lâm Đại Vinh, vì để tới Vũng Tàu xe phải qua trạm thu phí như Phú Mỹ, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 với giá vé đã hơn 1,2 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó còn chi phí giao nhận hàng tại cảng khoảng 100.000 đồng/container, tiền công tài xế 700.000 đồng/chuyến, xăng dầu đơn giá hiện là 1,2 triệu đồng/chuyến, chưa kể tiền phát sinh “không tên”...
 
Tổng cộng chi phí đã hơn 3,2 triệu. Cộng tiền khấu hao xe và lợi nhuận cho doanh nghiệp, tổng cước là 5,2 triệu đồng.
 
Ông Vinh cho biết việc vận chuyển hàng qua Thái Lan bằng đường biển hiện nay chỉ khoảng 5 - 10 USD/container.
 
Theo bà Dương Nga - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt 10/10, chi phí hai chiều xuất, nhập khẩu cho mỗi container hàng 40 feet hiện lên tới trên 1.800 USD.
 
Trong đó, chi phí vận chuyển từ cảng Hải Phòng về các điểm sản xuất của doanh nghiệp (ở Hà Nội và một số nơi khác) có mức trung bình 500 - 600 USD (khoảng 10 - 13 triệu đồng).
 
Cùng chung nỗi bức xúc, bà Lương Thúy Thuận, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, dẫn chứng nếu như vận chuyển một container hàng từ cảng Quảng Châu - Trung Quốc về Hải Phòng chỉ mất 3 triệu, thì chi phí vận chuyển cho một container hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội (khoảng 100km) mà doanh nghiệp của bà chi trả lên khoảng 6 triệu đồng.
 
“Các khoản chi phí vận tải đang chiếm khoảng 6% tổng chi phí giá thành, lại liên tục tăng lên đang tạo ra nhiều sức ép, khiến sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường” - bà Thuận nói.
 
Ngoài cước vận tải, bà Thuận công nhận có rất nhiều khoản phí phát sinh liên tục tăng, như phí cân container, phụ phí xăng dầu... cộng thêm chi phí vận chuyển nội địa cũng đang là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp.
 
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, dẫn số liệu của Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho biết thêm chỉ riêng quyết định thu thêm phí xây dựng cơ sở hạ tầng mà UBND TP Hải Phòng vừa đưa ra, đã khiến khoảng 27% doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận trên 15%.
 
Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Hải Phòng, gánh nặng chi phí chính mà chủ hàng phải chịu tập trung ở giá cước vận tải. Tuy nhiên, để giảm được giá cước đòi hỏi phải đồng bộ nhiều giải pháp đi kèm. Bởi cước phí hiện nay so với trước đã giảm đi khá nhiều vì lượng xe tăng cao.
 
Đồng quan điểm với ông Tiến, một đại diện doanh nghiệp vận tải khác ở Hải Phòng cho rằng bên cạnh những giải pháp đồng bộ này thì rõ ràng cần phải xử lý dứt điểm được nạn phí “không biên lai”, mà nhiều lãnh đạo đã công nhận gọi là “chi phí không chính thức”.
 
Nếu dẹp được nạn phí này, vị doanh nhân trên cho rằng chủ hàng sẽ tiết kiệm được từ 20 - 30% trong tổng chi phí phải bỏ ra...
 
So sánh khập khiễng nhưng cần hành động
 
Ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng so sánh chi phí giữa đường bộ và đường biển là khập khiễng, vì phương thức vận tải khác, giá thành sẽ khác.
 
Ông Quản cũng cho biết một xe container khi đi vận chuyển tốn nhiều chi phí vận chuyển điều hành, phí cầu đường... Tàu biển thì từ TPHCM qua Singapore không mất phí gì.
 
Một số chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình quan điểm trên nhưng cho rằng vẫn cần có hành động và mong Thủ tướng cũng như cơ quan chức năng quan tâm, giảm thiểu chi phí không chính thức, không hợp lý. Vì việc so sánh phí vận chuyển Hà Nội - Hải Phòng đắt hơn chuyển từ Hàn Quốc về Hải Phòng; hay chuyển hàng từ TP.HCM đi Vũng Tàu đắt hơn đi Singapore cho thấy chi phí vận tải đường bộ ở Việt Nam còn ở mức cao.
 
Dù đường biển vận chuyển lượng hàng nhiều hơn, chi phí thường rẻ hơn, nhưng chủ tàu cũng phải chịu không ít chi phí như cảng biển, hoa tiêu, bảo hiểm, rồi tiền khấu hao cao do chi phí đầu tư lớn...
 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng muốn giảm chi phí phải kiểm soát được mức tăng chi phí. Hiện nay có nhiều mức chi phí tăng như bảo hiểm xã hội, phí thuê đất đai tăng từ 4 - 10 lần, hoặc phí đường bộ, giá nhân công...
 
“Kiểm soát không có nghĩa là Nhà nước nói rằng không được tăng, nhưng có thể giảm bằng cách tạo ra thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, nâng cao vai trò của thị trường” - ông Tuấn nói và đề nghị những thị trường quan trọng như xăng dầu, điện cần tạo cạnh tranh nhiều hơn để giảm chi phí...

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác