(Congannghean.vn)-Năm 2017 được dự báo là năm phát triển kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng gặp nhiều bất lợi, khó khăn. Khắc phục tình trạng trên, cùng với việc thường xuyên nắm bắt những vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Nghệ An cũng ưu tiên nguồn lực, tạo cơ chế, chính sách về vốn, thuê mặt bằng, thuế để thúc đẩy phát triển những doanh nghiệp công nghiệp được coi là mũi nhọn của tỉnh, nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh nhà.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các dự án, công trình công nghiệp trên địa bàn |
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Nghệ An, một số nhà máy lớn đã được động thổ, khánh thành và đi vào hoạt động. Tiêu biểu như lễ động thổ Dự án Nhà máy sản xuất Container của Tập đoàn TKV được đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam, với tổng số vốn đăng ký là 550 tỉ đồng, dự kiến mỗi năm cung cấp 6.000 sản phẩm Container. Hay khởi công Nhà máy Mavin Austfeed Nghệ An (tại Khu công nghiệp Nam Cấm). Dự án được xây dựng trên diện tích 3,6 ha, với công suất 300.000 tấn/năm, có tổng vốn đầu tư 325 tỉ đồng. Ngoài dự án tại Khu công nghiệp Nam Cấm, theo dự kiến, Công ty TNHH AustFeed sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn sạch tại huyện Anh Sơn, với diện tích 58 ha, tổng vốn đầu tư 350 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào đầu năm 2018.
Việc đưa một số dự án mới đi vào hoạt động cùng với hoạt động sản xuất sôi động, phát huy hiệu quả sau đầu tư của các nhà máy làm cho bức tranh công nghiệp của tỉnh đang có nhiều tín hiệu tốt. Với những kết quả trên, nhiều khả năng giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó là nhiều công trình, dự án trên địa bàn tiếp tục hoạt động, phát triển, tạo thu ngân sách, việc làm cho lao động và từng bước chuyển dịch tỉ trọng công nghiệp.
Theo đó, so với 3 tháng cuối năm 2016, sản xuất công nghiệp của Nghệ An từ đầu năm đến cuối tháng 3/2017 đã tăng 8,02%. Trong đó, tăng mạnh nhất là lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (tăng 30,85%). Các sản phẩm công nghiệp cũng có bước phát triển nhanh: Thép hợp kim dạng khuôn, hình (tăng 50,135), ống nhựa tiền phong (tăng 48,24%), quặng thiếc và tinh quặng thiếc (tăng 45,07%), điện sản xuất (tăng 38,05%), nước mắm (tăng 29,62%), sợi (tăng 10,30%)… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường nên một số sản phẩm có giảm so với cùng kỳ năm 2016, như đường tinh luyện, bia đóng lon, cá đóng hộp, nhựa thông… Song nhìn chung, trong quý I/2017, đa phần các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn đều tăng và giữ ổn định.
Trong nhiều năm trở lại đây, Nghệ An được đánh giá rất thành công về thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn với vốn đăng ký cao, có tác động mạnh đến nền kinh tế tỉnh nhà.
Nhiều dự án đã chính thức đi vào hoạt động trong năm như Nhà máy sản xuất Tôn Hoa Sen Nghệ An tại Khu công nghiệp Đông Hồi, Nhà máy Sơn Hà Nghệ An, Nhà máy thức ăn gia súc Cargill, Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai, Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An (giai đoạn I)... đã tạo năng lực mới, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong tỉnh… Nhiều chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng được thực hiện.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án trọng điểm vẫn còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế. Đó là chưa kể đến nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường, nhân lực lao động.
Hiện, tỉnh đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường trên cơ sở nâng cao chất lượng, mẫu mã và giảm giá thành sản phẩm; hướng tới thị trường xuất khẩu; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình đưa vào phục vụ sản xuất các dự án công nghiệp trọng điểm. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động có chiến lược nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng về sản phẩm, tạo sự liên kết để phát triển bền vững.