Kinh tế xã hội
Khó khăn trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn
(Congannghean.vn)-Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Thế nhưng, hiện nay, ở các xã ngoại thành của TP Vinh vẫn chưa thể xây dựng được các mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao.
Đồng ruộng sản xuất manh mún và hạ tầng giao thông thủy lợi chưa đảm bảo là nguyên nhân khó xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở TP Vinh |
Xã Hưng Hòa, TP Vinh có 402 ha đất sản xuất 2 lúa. Vụ xuân năm 2017, 5 hợp tác xã nông nghiệp của Hưng Hòa đưa vào gieo cấy nhiều loại giống lúa khác nhau như: SL9, TL6 và một số giống lúa thuần khác. Mặc dù là xã thuần nông với lợi thế có vùng sản xuất lúa rộng nhưng đến nay, xã Hưng Hòa vẫn chưa thể quy hoạch và xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn.
Nguyên nhân chính là đất sản xuất nông nghiệp đã phân chia về từng vùng cho các hợp tác xã nên sự thống nhất trong quy hoạch đủ diện tích xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa thể thực hiện được. Mặt khác, do thổ nhưỡng các vùng đất cũng khác nhau nên khi cơ cấu các bộ giống để sản xuất trên một vùng cũng không mấy dễ dàng.
Ông Trần Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: “Khó khăn trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở xã là do tâm lý bà con chưa đồng nhất, có hộ muốn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nhưng có hộ lại thích trồng lúa năng suất cao để phục vụ chăn nuôi. Mặt khác, đồng ruộng đã phân chia theo từng hợp tác xã để giao cho các hộ dân nên sự thống nhất về ý thức và thổ nhưỡng của từng vùng đất đang là vấn đề cần bàn. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các hợp tác xã liên kết vùng để xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp”.
Tại xã Hưng Đông, vụ xuân năm 2017, toàn xã triển khai sản xuất 218 ha hoa màu, trong đó có 156 ha lúa, 47 ha rau và 5 ha hoa cây cảnh. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do công tác điều hành của HTX nông nghiệp hiện nay hoạt động không hiệu quả nên việc vận động người dân dồn điền đổi thửa không đạt được yêu cầu. Mặt khác, do sản phẩm nông nghiệp làm ra cho thu nhập thấp dẫn đến tâm lý người dân các xã ven đô không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Anh Phạm Văn Thanh, Trưởng ban Nông nghiệp xã Hưng Đông cho rằng: “Chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã có từ 3 năm về trước, nhưng ở Hưng Đông đang gặp khó khăn trong hạ tầng đường giao thông phục vụ sản xuất, mương tưới thủy lợi chưa đảm bảo yêu cầu, việc dồn điền đổi thửa chưa thực hiện được vì Nhà nước đã giao đất cho các hộ dân nên một số hộ lại muốn chuyển đổi mục đích sẽ mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa”…
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên các cánh đồng mẫu lớn, nhất là đối với sản xuất lúa gạo sẽ hình thành được bộ giống lúa gạo chất lượng cao, từ đó tạo ra sản phẩm gạo hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, ở hầu hết các xã ngoại thành TP Vinh, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa gạo đang là vấn đề cần bàn.
Giải quyết tốt mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông sẽ giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa cũng như đầu ra của lúa gạo sẽ có giá cả ổn định.
Mặt khác, việc sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn sẽ tuân thủ quy trình chung các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, phân bón và các biện pháp chăm sóc và làm thay đổi được tập quán canh tác cũ của người dân từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời, sẽ thúc đẩy quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Hồng Quang