Kinh tế xã hội
Giúp người lao động giảm thiểu nhiều khó khăn
(Congannghean.vn)-Chủ trương đào tạo nghề gắn với công tác giải quyết việc làm tại chỗ được Nghệ An triển khai đồng bộ trong suốt thời gian qua. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của địa phương nhằm giúp người lao động (NLĐ) gắn bó với quê hương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng miền.
Giải quyết việc làm tại chỗ giúp người lao động gắn bó lâu dài với quê hương |
Là tỉnh có nguồn nhân công dồi dào, hàng năm, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn Nghệ An có khoảng trên 40.000 người. Vì vậy, Nghệ An cũng đang là thị trường lao động giàu tiềm năng, nhân lực dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư.
Trong những năm gần đây, các công ty trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng nguồn lao động lớn như may mặc, giày da, tiểu thủ công nghiệp… đã xây dựng hệ thống nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Chính vì vậy, công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương đã được triển khai ở các địa phương có khu công nghiệp đóng trên địa bàn như TX Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, TP Vinh, Nam Đàn, Hưng Nguyên…
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2016, Nghệ An đã tập trung giải quyết việc làm cho khoảng gần 38.000 người. Nhìn chung, do có nhiều cải thiện về chế độ lương thưởng, phúc lợi xã hội nên NLĐ đã phần nào yên tâm gắn bó với công ty có trụ sở tại địa phương mình sinh sống.
Ngoài ra, Nghệ An còn đẩy mạnh thu hút đầu tư ở các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu lao động vùng miền, ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh nhà.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã thu hút được 1.068 dự án của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn với tổng số vốn 347.673 tỉ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Trong đó, ngày 21/7/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 3373/QĐ-UBND.ĐT về việc phê duyệt “Đề án Tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, Nghệ An đã có 300 dự án được cấp phép đầu tư với số vốn đăng ký 148.834 tỉ đồng. Mục tiêu của Đề án là nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết 26/NQ-TW đề ra; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và thực hiện các mục tiêu, giải pháp thu hút đầu tư vào Nghệ An.
Ngoài ra, Đề án cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020 phấn đấu thu hút khoảng 100.000 tỉ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 50.000 tỉ đồng, phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đến năm 2020 đứng trong top 15 cả nước.
Riêng năm 2016, Nghệ An đã thu hút được 120 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng gần 30.000 tỉ đồng. Đơn cử như Tập đoàn VSIP đã khởi động dự án đầu tư tại Nghệ An từ năm 2015 với quy mô diện tích 750 ha trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, TP Vinh thuộc Khu kinh tế Đông Nam hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm tại chỗ cho 15 - 20 nghìn lao động địa phương.
Quan tâm tới công tác giải quyết việc làm tại chỗ cũng là chủ trương chung mà UBND tỉnh Nghệ An đưa ra trong thời gian qua. Để thực hiện tốt công tác này, ngày 17/3/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1069/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động tỉnh Nghệ An. Trong đó, đối với công tác giải quyết việc làm, UBND tỉnh đã giao cho giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh là phó trưởng ban, thành viên phụ trách từng huyện, thành, thị trên địa bàn. Nhiệm vụ của các phó trưởng ban, thành viên này là chịu trách nhiệm tham mưu cho trưởng ban chỉ đạo triển khai, điều hành, giải quyết công việc thường xuyên, tổng hợp kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, để công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ đạt hiệu quả thì sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành cần quyết liệt hơn nữa.
Đăng Quang