Kinh tế xã hội
Hoạt động đầu tư tại Nghệ An: Đi vào thực chất
(Congannghean.vn)-Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược là chính sách được ưu tiên hàng đầu của không chỉ Nghệ An mà tất cả các địa phương trong cả nước. Bởi kinh nghiệm thực tiễn đã chứng minh, các dự án, công trình đầu tư trọng điểm chính là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh trên địa bàn. Trong điều kiện Nghệ An đang phải thực hiện hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu trên tất cả lĩnh vực, việc “gạn đục khơi trong”, đưa hoạt động đầu tư đi vào thực chất là ưu tiên, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Các đại biểu trao đổi về tiềm lực đầu tư tại Nghệ An |
Những dự án chiến lược
Phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án VSIP, lãnh đạo các cấp đã khẳng định: Dự án VSIP Nghệ An không chỉ có ý nghĩa góp phần giúp cho kinh tế Nghệ An và Việt Nam phát triển nhanh hơn mà còn là biểu tượng của quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Singapore. Và trên thực tế, việc VSIP vào Nghệ An đã góp phần nâng cao hình ảnh về hoạt động đầu tư tại Nghệ An. Sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà trong chặng đường xúc tiến đầu tư suốt nhiều năm qua đã được ghi nhận và bước đầu đạt kết quả mạnh mẽ.
Theo đó, Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An nằm trong KKT Đông Nam với chính sách ưu đãi về thuế lên đến 15 năm. Tổng diện tích toàn bộ dự án được quy hoạch 1.475 ha với tổng số vốn đăng ký là 76,4 triệu USD (tương đương 1.700 tỉ VND), trong đó giai đoạn 1 xây dựng hơn 750 ha, các giai đoạn tiếp theo sẽ được xây dựng theo nhu cầu của các nhà đầu tư. Riêng giai đoạn 1 của dự án có 198 ha đất công nghiệp và 81 ha đất thương mại và nhà ở, vốn đầu tư khoảng 15,2 triệu USD. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chọn KCN VSIP để thực hiện đầu tư.
Sau VSIP, tiếp tục có nhiều doanh nghiệp chọn Nghệ An làm bến đỗ. Hội nghị xúc tiến đầu tư Xuân Bính Thân 2016 trở thành cầu nối cho Hemaraj (Thái Lan) với tỉnh Nghệ An. Qua nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, trao đổi, hai bên đã thống nhất và đạt một số nội dung thỏa thuận quan trọng. Dự án đầu tư Khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 - Nghệ An theo kế hoạch sẽ triển khai tại Khu Kinh tế Đông Nam thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc, trên quy mô 3.200 ha với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 22.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD).
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành sản xuất thiết bị cơ khí chính xác và lắp ráp thiết bị kỹ thuật số, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, logistics…
Có thể nói, cùng với VSIP, Hemaraj đang từng bước thay đổi diện mạo về đầu tư tại Nghệ An, tạo hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Năm 2016, Nghệ An đã cấp mới cho 141 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm 35.441 tỉ đồng; đồng thời, cấp mới giấy đăng ký kinh doanh cho 1.926 doanh nghiệp, chi nhánh thành lập, trong đó có 1.541 doanh nghiệp, tăng 12,52% so với năm 2015.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ diễn ra vào sáng 19/2/2017 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Khách sạn Mường Thanh Phương Đông, phường Trường Thi, TP Vinh. Dự kiến có khoảng 500 khách mời, gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương; Đại sứ quán các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Úc; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các tập đoàn, tổng công ty lớn; các doanh nghiệp đến từ các nước; các nhà đầu tư điển hình... Nghệ An cũng sẽ tổ chức tri ân những nhà đầu tư đã, đang và tiếp tục chọn Nghệ An để đồng hành cùng phát triển. |
Không hình thức, phô trương, đi vào thực chất
Phát biểu tại Hội nghị họp báo tuyên truyền về Hội nghị xúc tiến đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nghệ An sẽ đưa hoạt động đầu tư vào chiều sâu, nghĩa là sẽ chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư, dự án trọng điểm. Bên cạnh những dự án hiệu quả, vẫn có 103 dự án chậm tiến độ, không triển khai. Các đơn vị chức năng đã đôn đốc, kiểm tra, thu hồi, chấm dứt 22 dự án.
Để tăng cường quản lý các doanh nghiệp, vào tháng 12/2016, tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định 66 yêu cầu các doanh nghiệp phải ký quỹ, tránh hiện tượng hô hào, hứa hẹn đầu tư rồi để đó và chậm triển khai. Việc “gạn đục khơi trong”, mạnh dạn chấm dứt nhà đầu tư kém hiệu quả chính là cơ sở để xây dựng môi trường doanh nghiệp an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng cho hoạt động đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Việc khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến và đưa vào vận hành cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần đưa chính quyền gần hơn với doanh nghiệp và người dân.
Có thể thấy, Hội nghị xúc tiến đầu tư trở thành hoạt động thường niên và mang lại kết quả nổi bật cho Nghệ An trong những năm qua. Theo đó, qua 9 lần đồng hành cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư từ năm 2009 đến nay, Nghệ An đã thu hút 804 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 290 nghìn tỉ đồng. Trong đó có 758 dự án đầu tư trong nước với hơn 100.000 tỉ đồng và 46 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 160.000 tỉ đồng.
Trong đó, nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm, ngân sách lớn như: Nhà máy Tôn Hoa Sen tại KCN Đông Hồi của Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen; Nhà máy gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; Nhà máy xi măng Sông Lam của Tập đoàn The Visai; Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Mavin Austfee tại Nam Cấm; Chăn nuôi bò thịt và bò giống tại tỉnh Nghệ An; Trung tâm thực phẩm Masan Miền Bắc; Nhà máy may Hitex Hàn Quốc…
Năm 2017, Nghệ An phấn đấu thu hút đầu tư vào tỉnh khoảng 100 dự án với số vốn đăng ký ước đạt 30.000 - 35.000 tỉ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng; tạo việc làm cho khoảng 13.000 - 15.000 lao động; đồng thời, tiếp tục hướng đến nhà đầu tư truyền thống, hợp tác có hiệu quả với các đối tác chiến lược và tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh có kết nghĩa với tỉnh Nghệ An, các nhà tài trợ lớn.
Để đạt kết quả đó, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung mọi nguồn lực của Nhà nước, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu các khu công nghiệp: Thọ Lộc, Đông Hồi, Hoàng Mai 2, Nghĩa Đàn…; hạ tầng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng các dự án đường bộ trọng điểm, cảng biển và đường sắt kết nối cảng biển; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng KCN Đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, KCN Hemaraj (Thái Lan), chú trọng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN này.
Mai Hậu