Kinh tế xã hội

Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Vươn tầm trung tâm Bắc Trung Bộ

14:40, 25/01/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm 2016, mặc dù ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và phải tập trung cao cho công tác chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng với sự năng động, quyết đoán, khoa học, Thành ủy, HĐND, UBND TP Vinh đã có sự chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, thực hiện kế hoạch chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi ngân sách một cách linh hoạt. Nhờ đó, tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố đạt và vượt khá toàn diện so với kế hoạch đề ra.

Tổng thu ngân sách năm 2016 là 2.225,9 tỉ đồng, đạt 119,7%, tăng 58,8% so cùng kỳ. Trong đó, thu thường xuyên 1.225,9 tỉ đồng, đạt 112,3% kế hoạch, tăng 19,9% so cùng kỳ; thu cấp quyền sử dụng đất 1.000 tỉ đồng, đạt 130,2% kế hoạch, tăng 163,9 so cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,3 triệu đồng/kế hoạch 67,2 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Hoài An, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vinh trao bức trướng cho Công an TP Vinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng ANND (12/7/1946 - 12/7/2016)
Đồng chí Nguyễn Hoài An, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vinh trao bức trướng cho Công an TP Vinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng ANND (12/7/1946 - 12/7/2016)

Công nghiệp được xác định là một trong những mũi đột phá để phát triển kinh tế, do đó năm 2016, lãnh đạo UBND TP Vinh tập trung đầu tư một số sản phẩm như: Cơ khí, điện tử, điện lạnh, may mặc, sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao. Các sản phẩm truyền thống tiếp tục tăng khá, từ 9 - 16% như: Quần áo may mặc sẵn, vật liệu xây dựng các loại, công nghiệp điện, nước... Quan tâm giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay như: Nợ đọng thuế, ô nhiễm môi trường... Các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch tiếp tục có bước phát triển: Tổng mức bán lẻ hàng hóa  đạt 16.200 tỉ đồng, tăng 11,3%; lượng khách du lịch tăng 1,6% và doanh thu đạt 720 tỉ đồng, tăng 28,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn duy trì ổn định.

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt sản xuất vụ xuân, hè thu, vụ đông, phòng chống hạn, dịch bệnh nên năng suất, sản lượng tăng so với cùng kỳ (lương thực tăng 5%; rau các loại tăng 3,2%, gia cầm tăng 24,4%; năng suất lúa tăng 9,5%, lạc tăng 13,8%). Xã Nghi Ân và Nghi Đức đã có quyết định công nhận đạt chuẩn về nông thôn mới của tỉnh, đưa TP Vinh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt là hoàn thành xây dựng kế hoạch KHCN TP Vinh giai đoạn 2016 - 2020. Cập nhật và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; triển khai phần mềm chính quyền điện tử HCM Egov Framework 2.0. Công tác đối ngoại có chuyển biến rõ nét: Thực hiện đầu tư đường Namjangju Dasan, với sự hỗ trợ 1 tỉ won của TP Namjangju, Hàn Quốc. Triển khai các bước để thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn ADB. Phối hợp với Hiệp hội cầu nối Việt - Nhật xúc tiến đầu tư các công nghệ liên quan xử lý rác thải đô thị và nông nghiệp sạch. Trên địa bàn có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 3.953,72 tỉ đồng và 4,29 triệu USD. Thành lập mới 420 doanh nghiệp; cấp mới giấy phép kinh doanh 1.460 hộ, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Công tác thu, chi ngân sách: Tổng thu ngân sách thành phố đạt cao nhất trong các năm gần đây: 2.225,9 tỉ đồng, đạt 119,7% kế hoạch, tăng 58,8% so cùng kỳ; trong đó, thu thường xuyên: 1.225,9 tỉ đồng, đạt 112,3% kế hoạch và tăng 19,9% so cùng kỳ; thu cấp quyền sử dụng đất: 1.000 tỉ đồng, đạt 130,2% kế hoạch và tăng 163,9% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách: 1.111,41 tỉ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 13,9% so cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên: 657,76 tỉ đồng, đạt 103% kế hoạch, giảm 17% so cùng kỳ, chi đầu tư phát triển: 453,65 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 142,2% so cùng kỳ (trong đó cân đối nguồn vốn cho Tiểu dự án phát triển đô thị (PTĐT) Vinh 233,5 tỉ đồng).

Thành phố thực hiện có hiệu quả quy hoạch phân khu các phường xã, 100% phường xã đã có nhà thầu tư vấn, 8 phường, xã đã thông qua quy hoạch sơ bộ. Việc hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất TP Vinh đến năm 2020, hiện đang trình các cấp thẩm định, phê duyệt. Công tác bồi thường GPMB: Phê duyệt 131 phương án, 674,5 tỉ đồng với diện tích 51 ha (trong đó: Tiểu dự án PTĐT Vinh 72 phương án, 484 tỉ đồng, 21,6 ha); hoàn thành nhiều dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn như: Euro window, xây dựng tòa nhà T&T Group, nhà máy nước tahir, bệnh viện đa khoa giai đoạn 2, các hạng mục Tiểu dự án PTĐT Vinh, khu A Quang Trung; các dự án khai thác quỹ đất, tái định cư; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các gói thầu thuộc Tiểu dự án PTĐT Vinh, cơ bản hoàn thành 44 công trình, đang thi công 40 công trình trong kế hoạch đầu năm.

Đặc biệt là triển khai dự án Khu công nghiệp đô thị dịch vụ VSIP Nghệ An. Đây là dự án thứ 7 của Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singare VSIP có quy mô 1.846 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.000 tỉ đồng. Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đi vào đầu tư hạ tầng. Thành phố tiến hành rà soát nợ đọng XDCB; tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2017 và trung hạn 2016 - 2020. Huy động nguồn lực đầu tư tăng mạnh so với các năm trước: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 12.950 tỉ đồng, tăng 12,9% cùng kỳ. Nguồn lực Nhà nước đầu tư xây dựng dự án trên địa bàn tăng mạnh: TP Vinh tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; UBND tỉnh, Trung ương đầu tư từ 100 tỉ đồng lên 570 tỉ đồng. Chỉ đạo thực hiện huy động nội lực xây dựng các công trình hạ tầng đạt 82 tỉ đồng/kế hoạch 55 - 60 tỉ đồng.

Về văn hoá - xã hội, TP Vinh tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn tỉnh trong cả giáo dục đại trà và mũi nhọn; cơ sở vật chất trường học được tăng cường. Thành phố ban hành quy chế điều động, bố trí giáo viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu đến cuối năm có thêm 3 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Công tác Quốc phòng - An ninh được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm đúng mức, nhất là chỉ đạo công tác dự báo tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, giữ vững ANTT; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giải quyết ổn định tình hình khiếu kiện đông người; đồng thời ngăn chặn các hoạt động cực đoan, chống đối, kích động, lôi kéo của các đối tượng xấu và đấu tranh, trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm. Tập trung lực lượng, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trật tự ATGT - trật tự đô thị. Đặc biệt là tổ chức bảo vệ thành công Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Năm 2017, UBND TP Vinh tiếp tục đổi mới về công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII đề ra; phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Đề án phát triển KT-XH TP Vinh đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. TP Vinh đang vươn tầm trung tâm Bắc Trung Bộ.

Thành Vinh

Các tin khác