Kinh tế xã hội

Phát triển vùng nguyên liệu chanh leo

Chú trọng 'bài toán' đầu ra cho nông sản

08:09, 06/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên ở các địa phương vùng cao của Nghệ An đã có nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ năm 2010, tại xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong đã đưa giống cây chanh leo vào trồng thành công và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình cây chanh leo theo hướng đại trà trong thời gian qua đang đặt ra “bài toán” đầu ra cho nông sản…

Anh Vi Văn Sơn bên vườn chanh leo 1,5 ha tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ
Anh Vi Văn Sơn bên vườn chanh leo 1,5 ha tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ

Cây chanh leo “bén duyên” nơi biên viễn

Từ TP Vinh, chúng tôi vượt gần 300 km để đến với huyện vùng cao Quế Phong trong cái giá lạnh cuối năm. Con dốc Chuối nổi tiếng ngoằn ngoèo từ xã Châu Kim lên các xã vùng biên giới dường như cao và khó đi hơn ngày thường. Đến xã vùng biên Tri Lễ khi những cơn mưa phùn lất phất hoà với sương mù khiến cho tiết trời trở nên âm u càng tô thêm vẻ đặc trưng của miền biên viễn trong những ngày đông giá rét.

“Trước đây, gia đình tôi được giao khoán hơn 1,5 ha đất lâm nghiệp nhưng không biết trồng cây gì để mưu sinh. Thấy nhiều người trong xóm trồng keo lai, gia đình cũng trồng loại cây này. Khổ một nỗi, cây keo lai mãi trên 5 - 6 năm mới cho thu hoạch. Sau ngần ấy năm chăm sóc, chờ đợi, đến mùa thu hoạch, trừ các khoản chi phí, gia đình chỉ thu được vài chục triệu đồng. Trong khi đó, ruộng lúa gần nhà quá ít nên không cung cấp đủ lương thực cho cả gia đình, tôi phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh”, anh Vi Văn Sơn trú tại bản Yên Sơn tâm sự.

Mãi đến cuối năm 2011, cây chanh leo mới được chính quyền địa phương đưa vào trồng thử nghiệm tại vùng đất của bản Yên Sơn. Đây là bản ở xã biên giới Tri Lễ có đặc điểm vùng đất bằng phẳng, khí hậu ôn hòa quanh năm nên có điều kiện lý tưởng để người dân trồng cây chanh leo cho năng suất cao. Từ khi “du nhập” vào vùng đất này, cây chanh leo đã làm cho cuộc sống của nhiều hộ dân dần khởi sắc. Sau khi tìm hiểu, quan sát thấy cây chanh leo rất hợp thời tiết và thổ nhưỡng vùng đất mà mình đang sinh sống, anh Sơn đã bàn bạc với vợ con chặt bán hết cây keo lai rồi cải tạo lại đất để trồng cây chanh leo.

Quyết định chặt bỏ cây keo lai thời điểm đó đối với anh Sơn không dễ dàng chút nào vì vợ anh nhất quyết không đồng ý bởi còn hơn 1 năm nữa là đến mùa thu hoạch, nếu chặt bán bây giờ gia đình sẽ “trắng tay”. Tuy nhiên, anh vẫn mạnh dạn động viên vợ chặt bán cây keo lai để trồng mới cây chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Lúc đó, vì nghèo quá, đang túng quẫn nên tôi làm liều gọi mấy người bạn đến giúp chặt cây bán cho thương lái. Mấy ngày sau, tôi lên UBND xã đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ gia đình giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để tôi đầu tư trồng cây chanh leo...”, anh Sơn kể lại.

Đến thời điểm hiện nay, không chỉ gia đình anh Vi Văn Sơn mà tại xã Tri Lễ đã có hàng chục hộ mạnh dạn cải tạo đất đồi trồng đại trà cây chanh leo. Hiện, trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Quế Phong có 250 ha chanh leo được trồng tại các xã: Tri Lễ, Châu Thôn, Nậm Giải. Riêng xã Tri Lễ, chanh leo được trồng tại 5 bản đồng bào Thái với tổng diện tích 108 ha. Trong đó, có 55 ha của 100 hộ đồng bào Thái, số còn lại của một số doanh nghiệp thuê đất đầu tư trồng. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích chanh leo tại Tri Lễ sẽ ổn định ở mức 1.500 ha.

Thương lái thu mua chanh leo tận vườn ở bản Yên Sơn
Thương lái thu mua chanh leo tận vườn ở bản Yên Sơn

Cần chú trọng đầu ra cho nông sản

Năm 2012, sau khi bỏ công sức cải tạo hơn 1,5 ha đất trồng keo lai, cũng như các hộ nông dân khác, anh Vi Văn Sơn và gia đình đã mạnh dạn mua giống cây chanh leo của Công ty CP Nafoods Group về trồng trên mảnh vườn của mình. “Thời điểm đầu tư trồng hơn 1.000 gốc chanh leo, tôi được phía Công ty cho nợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật; chính quyền địa phương hỗ trợ tiền làm giàn nên cũng yên tâm phần nào. Vào thời điểm đó, Công ty có cam kết với tôi, khi nào đến mùa thu hoạch họ sẽ khấu trừ dần tiền đầu tư ban đầu...”, anh Vi Văn Sơn kể lại.

Đến nay, hơn 1.000 gốc chanh leo của gia đình anh Vi Văn Sơn đã cho thu hoạch mùa thứ 3, mỗi mùa trên dưới 200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi lên đồi thăm vườn chanh leo, anh Sơn phấn khởi cho biết: “2 năm nay, nhờ cây chanh leo mà gia đình tôi đã dựng được ngôi nhà sàn khang trang, mua được 2 con bò và xe máy... Hiện hàng tháng, tôi phải thuê thêm 2 lao động để chăm sóc cây. Dự kiến sang năm 2017, gia đình tôi sẽ trồng thêm hàng nghìn gốc chanh leo nữa”.

Chia sẻ về bí quyết trồng cây chanh leo, anh Sơn cho biết: “Chanh leo là loại cây cần độ ẩm cao, lượng nước nhiều và thường xuyên. Vì vậy, phải tưới nước 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô cần tưới lượng nước nhiều hơn sẽ giúp cho cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục. Cây cần nhiều nước ở giai đoạn kết trái và phát triển trái, nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, trái hoặc teo trái lại”.

Để tưới nước cho cả 1.000 gốc chanh leo là không thể, anh Sơn đã nghĩ ra cách dòng các đường ống nhỏ đến từng gốc cây, rồi mỗi lần cần tưới, anh chỉ cần bật máy bơm là nước sẽ phun đều lên 1.000 cây. Việc bón phân cũng được anh thực hiện bằng cách tương tự. Mỗi lần cần bón phân, anh chỉ cần hòa các loại phân bón trong hầm nước rồi bơm cho cây. Cách này vừa đỡ tốn nhân công, vừa hiệu quả, nên dù trồng hơn 1.000 cây chanh leo, anh cũng cảm thấy không quá  vất vả.

Theo anh Sơn, cây chanh leo rất thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng như ở Quế Phong, thời gian trồng cây chỉ 4 tháng là cho thu hoạch. Năm đầu tiên cho 40 - 45 tấn/ha, năm thứ hai đạt 65 - 70 tấn/ha, với giá trung bình 7.000 - 9.000 đồng/kg, người trồng chanh leo đã có lãi lớn. Trồng chanh leo khó nhất là khâu thu hoạch bởi chanh leo chín rất nhanh và phải sơ chế trước khi bán cho công ty.

Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chia sẻ: “Cây chanh leo được trồng trên địa bàn xã từ năm 2011. Trước đây, bà con chưa tin tưởng lắm nên rất ít người đầu tư trồng, nhưng khi biết được hiệu quả kinh tế mà cây chanh leo mang lại thì nhà nhà, người người đua nhau trồng loại cây này. Với 1 ha đất, người dân có thể trồng tới hơn 800 gốc chanh leo. Số vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng/ha, trong đó có chi phí giống, phân bón, làm giàn... Trong khi mỗi gốc chanh leo đến mùa thu hoạch có thể đạt được 35 - 45 kg quả. Hiện nay, giá dao động từ 7.000 - 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để chanh leo phát triển bền vững trong gian tới thì doanh nghiệp cũng như các cấp chính quyền cần chú trọng “bài toán” đầu ra cho nông sản địa phương hơn nữa”.

Với những nét khởi sắc bước đầu mà cây chanh leo mang lại tại xã biên giới Tri Lễ thì loại cây này đang trở thành cây thoát nghèo chủ lực. Màu xanh bạt ngàn của những vườn chanh leo đang tạo nên sức sống mới cho vùng biên giới vốn đã quá quen với cái đói, cái nghèo quanh năm đeo đẳng. Thế nhưng, điều mà nông dân hiện nay đang băn khoăn là vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm, quan trọng nhất là khâu bao tiêu sản phẩm kịp thời, hợp lý hơn nữa để người dân yên tâm sản xuất, trồng trọt.

Ngoài ra, việc cam kết thu mua, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con nơi đây cũng cần được nhanh chóng thực hiện, tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá” khiến nông dân lao đao.

Đăng Quang

Các tin khác