(Congannghean.vn)-Với đặc thù số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sinh sống ở nông thôn chiếm tỉ lệ lớn, các làng nghề chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một bộ phận làng nghề hiện nay ngày càng trở nên bức xúc do hệ lụy kép liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và môi trường sống.
“Gồng mình” gánh ô nhiễm
Tính đến đầu tháng 7/2016, toàn tỉnh có 139 làng nghề; trong đó có 22 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và 10 làng nghề chế biến hải sản, tập trung ở vùng nông thôn và cửa biển. Mặc dù tạo ra khối lượng lớn sản phẩm và nhiều chủng loại có uy tín trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao nhưng hiện phần lớn làng nghề chế biến vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong đó nổi lên là vấn đề môi trường. Căn nguyên chính dẫn đến thực trạng trên là do quy hoạch của các làng nghề này vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư, dẫn đến công nghệ lạc hậu, thủ công, thiếu đồng bộ.
Hoạt động của làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương ở xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu những năm qua là một ví dụ điển hình. Bình quân mỗi ngày có khoảng 10 tấn bún được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Với hơn 100 hộ làm nghề, mỗi ngày có hàng trăm lít nước ngâm tinh bột chưa qua xử lý được xả thẳng ra các con mương và bốc mùi hôi thối. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm còn tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, khiến nhiều diện tích lúa không gieo cấy được, hoặc nếu gieo cấy thì cho năng suất thấp. Về chế biến hải sản, sự phát triển của làng nghề Ngọc Văn xã ở Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu nói riêng và nhiều làng nghề ở lĩnh vực này nói chung trong điều kiện cơ sở hạ tầng không được đầu tư nâng cấp thường xuyên đã dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động: Hầm chứa nước thải tập trung không đáp ứng yêu cầu, không có nắp, đáy chống thấm nên bốc mùi hôi thối trên diện rộng.
Từ bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ để tham gia mô hình làng nghề tập trung góp phần giúp làng nghề phát triển bền vững (Trong ảnh: Làng nghề bánh kẹo Vĩnh Đức (Đô Lương)) |
Khó đảm bảo ATVSTP
Trên thực tế, thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động nói trên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm của các làng nghề chế biến, cụ thể là vấn đề đảm bảo ATVSTP. Trước đây, hoạt động của gần 300 hộ sản xuất thuộc làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức ở khối 10, thị trấn Đô Lương gặp nhiều khó khăn về địa điểm sản xuất, thiếu hệ thống tiêu thoát nước thải hợp vệ sinh, dẫn đến chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Vì vậy, thị trấn Đô Lương đã đầu tư trên 4,2 tỉ đồng để xây dựng khu sản xuất tập trung bao gồm 32 ki-ốt trên diện tích 6.000 m2. Từ khi có sự đầu tư quy hoạch hạ tầng làng nghề, nhiều hộ đã yên tâm sản xuất, sản phẩm làm ra cũng đảm bảo vệ sinh hơn và ngày càng tạo dựng được uy tín trên thị trường.
Để giải quyết “bài toán” ô nhiễm làng nghề, vấn đề đặt ra là cần xây dựng làng nghề tập trung và đầu tư xây dựng hệ thống nước thải đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí và nhận thức của người dân. Đơn cử như tại làng nghề bún, bánh Huỳnh Dương ở xã Diễn Quảng. Năm 2010, chính quyền xã đã quyết định dành diện tích 2.000 m2 để xây dựng làng nghề tập trung. Tuy nhiên, điều này lại không nhận được sự hưởng ứng của phần lớn hộ dân do tâm lý không muốn ràng buộc về giờ giấc và thời gian lao động. Do đó, đến nay, đề án quy hoạch làng nghề của địa phương vẫn chưa thể thực hiện.
Nhằm góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và ATVSTP ở các làng nghề chế biến thực phẩm, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 47, chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATVSTP trên địa bàn từ khâu sản xuất, chế biến. Cùng với đó, các cấp, ngành cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong công tác đảm bảo ATVSTP ngay từ khâu chế biến; qua đó gắn trách nhiệm của người sản xuất với vấn đề đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và hiện thực hóa mục tiêu phát triển KT-XH bền vững cho các làng nghề.
Trên thực tế, việc phát triển các làng nghề chế biến thực phẩm, hải sản là định hướng cần được khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các hộ thuộc làng nghề cũng cần thay đổi tư duy trong việc từ bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công để tham gia vào mô hình làng nghề tập trung theo quy hoạch. Có như vậy, “bài toán” môi trường sống mới được giải quyết, đồng thời góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của các làng nghề.
.